Trường đại học không được tùy tiện áp tiêu chuẩn chiều cao đối với thí sinh

06:49 - Chủ Nhật, 09/06/2024 Lượt xem: 5151 In bài viết

Trước việc Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt ra điều kiện về chiều cao đối với thí sinh xét tuyển vào trường gây tranh cãi, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã yêu cầu nhà trường cần thực hiện đúng luật nhằm đảm bảo công bằng về cơ hội xét tuyển cho mọi thí sinh.

Trong đề án tuyển sinh đại học năm 2024, một trong những điều kiện bắt buộc khi thí sinh tham gia xét tuyển vào Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội là chiều cao đối với nữ từ 1m58 trở lên và nam là từ 1m65 trở lên. Riêng ngành Quản trị và An ninh mạng còn thêm 2 điều kiện là học lực 3 năm THPT đạt loại khá trở lên và hạnh kiểm cũng từ loại khá trở lên.

Lý giải về việc đưa ra tiêu chí xét tuyển đối với nữ cao từ 1m58, nam cao từ 1m65, đại diện Trường Quản trị và Kinh doanh cho biết, mục tiêu của trường là đào tạo ra những nhà lãnh đạo, quản trị và điều hành xuất sắc cho cả khu vực công và tư. Trong quá trình thực hiện sứ mệnh này, ngoài những yếu tố về học lực và kỹ năng, thể chất, hình thể cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và tự tin của các nhà lãnh đạo tương lai. Theo đại diện nhà trường, đối với thí sinh có năng khiếu đặc biệt vẫn sẽ được xét đặc cách để phát triển tài năng và thành công dựa trên sự xuất sắc trong học tập và các kỹ năng khác.

Bộ GD&ĐT yêu cầu trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội rà soát các tiêu chí và điều kiện xét tuyển phù hợp với quy định.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chọn ngoại hình để tuyển sinh có thể áp dụng cho một số lĩnh vực đặc thù đòi hỏi có chiều cao và thể lực tốt như khối công an, quân đội. Tuy nhiên, đối với các cơ sở giáo dục đại học như Trường Quản trị và Kinh doanh, yêu cầu trên là không có cơ sở khoa học, thậm chí là vi phạm nguyên tắc công bằng, bình đẳng về cơ hội trong giáo dục. Thực tế cho thấy sứ mệnh của giáo dục là tập trung vào việc phát triển toàn diện các kỹ năng và năng lực cần thiết cho sinh viên, thay vì chú trọng vào những yếu tố bên ngoài như chiều cao.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, thực tế cho thấy không có nghiên cứu khoa học nào khẳng định rằng chiều cao là một yếu tố quyết định thành công trong lĩnh vực quản trị và kinh doanh. Do đó, điều kiện xét tuyển dựa trên chiều cao có thể bị xem là không công bằng và vi phạm nguyên tắc bình đẳng cơ hội trong giáo dục. Chính sách này có thể loại bỏ nhiều thí sinh có năng lực và tài năng đáng kể chỉ vì họ không đạt yêu cầu về chiều cao. Ngoài ra, chính sách này cũng có thể tạo ra sự bất bình đẳng giới, vì chiều cao trung bình của nam và nữ có sự chênh lệch tự nhiên; điều này không chỉ gây thiệt thòi cho các thí sinh mà còn làm giảm cơ hội tìm kiếm và phát triển những tài năng thực sự cho ngành học và cho xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, đơn vị vừa có văn bản gửi Đại học Quốc gia Hà Nội liên quan đến việc đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh.

Văn bản của Bộ GD&ĐT nêu rõ, Bộ đã nhận được kiến nghị của một số cá nhân và phản ánh trên một số phương tiện truyền thông về công tác xét tuyển đại học năm 2024 của Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó có một số tiêu chí và điều kiện xét tuyển liên quan đến đặc điểm cá nhân về chiều cao và thị lực.

Căn cứ quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội khẩn trương chỉ đạo Trường Quản trị và Kinh doanh nghiêm túc rà soát các tiêu chí và điều kiện xét tuyển của nhà trường trong Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 theo quy định tại Điều 4 về nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh của Quy chế. Trong đó, để bảo đảm công bằng đối với thí sinh về cơ hội dự tuyển, nhà trường phải tuân thủ và bảo đảm không để thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ những quy định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mang tính đặc thù trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh) hoặc do quy trình tuyển sinh gây phiền hà, tốn kém.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, theo Điều 13 về Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân của Luật Giáo dục, học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân và mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Do đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ đạo Trường Quản trị và Kinh doanh nghiêm túc thực hiện.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top