Có nên quy định mức điểm sàn chung trong xét tuyển đại học ?

09:09 - Thứ Tư, 19/06/2024 Lượt xem: 5265 In bài viết

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm. Đáng chú ý, năm nay điểm chuẩn trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm của một số trường, ở một số ngành vẫn tiếp tục ở ngưỡng 30 điểm. Tuy vậy, cũng có những trường có điểm chuẩn xét tuyển học bạ chỉ từ 15-18 điểm, tức chỉ khoảng 5-6 điểm mỗi môn. Trước thực tế trên, có ý kiến cho rằng, nên chăng cần đặt điểm sàn nhất định để đảm bảo chất lượng đầu vào.

Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Ngoại thương vừa công bố ngưỡng điểm đáp ứng điều kiện hồ sơ xét trúng tuyển cho 3 phương thức xét tuyển sớm gồm: Phương thức 1 là xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT đối với thí sinh học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi tỉnh, thành phố và thí sinh hệ chuyên; phương thức 2 là xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập THPT/chứng chỉ năng lực quốc tế; phương thức 3 là xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Năm nay, điểm chuẩn cao nhất ở phương thức 1 xét tuyển với đối tượng thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, ngành Logistics có mức điểm chuẩn đạt 30/30 điểm. Đây cũng là ngành học có điểm chuẩn cao nhất với đối tượng thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố với 29,06/30 điểm; với đối tượng học sinh hệ chuyên, điểm chuẩn của ngành này cũng ở mức cao nhất 29/30 điểm. Ở phương thức 2 là xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập THPT/chứng chỉ năng lực quốc tế, điểm chuẩn ngành này cũng cao nhất. Điểm chuẩn chương trình Marketing số cũng có điểm chuẩn phương thức 1 là 30/30 điểm. Ngành học mới mở của trường là Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh cũng có điểm chuẩn khá cao, dao động từ 28,41- 29,5/30 điểm tùy phương thức.

Điểm chuẩn ở các phương thức xét tuyển sớm đang có độ vênh giữa các trường đại học. Ảnh minh họa.

Còn theo thông báo của Trường ĐH Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, ở phương thức xét kết quả học tập THPT kết hợp với phỏng vấn, ngoài đạt yêu cầu phỏng vấn, ở một số ngành thí sinh cũng phải đạt kết quả học bạ trên 27 điểm, tức trung bình trên 9 điểm 1 môn. Trong đó, ngành Sư phạm Tiếng Anh có điểm chuẩn (học bạ) cao nhất, trung bình 9,4 điểm/môn trong tổ hợp xét tuyển; ngành Sư phạm tiếng Trung Quốc là 9,2 điểm/môn trong tổ hợp xét tuyển; ngành Sư phạm tiếng Đức, Sư phạm tiếng Hàn Quốc cùng có mức điểm là 9,1; ngành Sư phạm tiếng Nhật mức điểm là 9,0. Năm nay, Học viện Ngân hàng cũng gây bất ngờ khi ở phương thức xét kết quả học bạ, chương trình đào tạo chuẩn năm nay có 7/30 ngành gần chạm ngưỡng tuyệt đối 29,9/30 điểm; chương trình đào tạo chất lượng cao có 2 ngành điểm chuẩn ở mức 39,9/40.

Cụ thể, các chương trình có điểm chuẩn gần chạm mức tuyệt đối gồm: Ngân hàng, Ngân hàng số, Kiếm toán, Tài chính, Công nghệ tài chính, Kinh doanh quốc tế, Logistics và Quản lí chuỗi cung ứng, Luật kinh tế. Ở chương trình chất lượng cao, có 2 ngành điểm chuẩn ở mức 39,9/40 điểm là Ngân hàng và Tài chính Quốc tế, Marketing số. Ngành Kinh doanh quốc tế (chất lượng cao) điểm chuẩn 39,01/40 điểm. Năm 2024, Trường ĐH Thương mại tuyển sinh theo 5 phương thức. Trong đó, phương thức xét tuyển theo kết quả học tập cấp THPT đối với thí sinh trường chuyên/trọng điểm quốc gia, điểm chuẩn cao nhất là ngành Logistics và Quản lí chuỗi cung ứng với 29,25/30 điểm; ngành Maketting thương mại, kinh doanh quốc tế, Kinh tế quốc tế 29 điểm, kế toán doanh nghiệp 28 điểm…

Trái với tình trạng điểm chuẩn ở một số phương thức xét tuyển sớm cao ngất ngưỡng thì cũng có một số chương trình đào tạo, ngành đào tạo ở một số trường ĐH có điểm chuẩn xét tuyển học bạ khá thấp so với mặt bằng chung, trung bình chỉ khoảng từ 5-6 điểm mỗi môn. Đây thường là các trường ĐH dân lập, ĐH công lập ở địa phương, các ngành học chưa thu hút được sự quan tâm của thí sinh và xã hội… Trước thực trạng trên, một số ý kiến bày tỏ lo ngại về chất lượng đầu vào và kiến nghị cần đặt mức “điểm sàn” chung nhất định để đảm bảo chất lượng đầu vào…

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho rằng, đối với đề xuất về việc phải có điểm sàn chung cho xét tuyển ĐH, cần phải có đủ các căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn để triển khai. Theo bà Thủy, về căn cứ pháp lý, theo quy định của Luật Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT xác định và công bố điểm sàn tuyển sinh cho các ngành đào tạo giáo viên và các ngành đào tạo sức khoẻ có chứng chỉ hành nghề. Bộ GD&ĐT đã triển khai thực hiện nội dung này trong các năm qua theo đúng yêu cầu của luật định.

Về căn cứ thực tiễn, hệ thống các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay đóng trên các địa bàn khác nhau trên toàn quốc, đào tạo các ngành phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền, khu vực, với đối tượng tuyển sinh khác nhau (từ các thí sinh đang sinh sống, học tập ở các vùng kinh tế phát triển, cho đến các thí sinh tại các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, miền núi, hải đảo). Về phía các cơ sở đào tạo, các trường được thành lập trong những thời kỳ khác nhau, lịch sử dài ngắn khác nhau; thương hiệu, uy tín các trường cũng có sự khác biệt, phân cách. Do vậy, điểm trúng tuyển đầu vào các ngành/trường khác nhau nhiều, nhưng nhìn chung không dưới 15 điểm (nhóm ngành khó tuyển như các ngành nông, lâm, ngư nghiệp) và có ngành/trường trên 27 điểm (khối ngành sức khoẻ, pháp luật, kinh tế - quản lý, quốc phòng, an ninh…).

Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, số lượng thí sinh tham gia xét tuyển và thực tế nhập học chỉ đạt khoảng 80% năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học trong toàn hệ thống. Các trường ĐH đã và đang phải cạnh tranh bằng chất lượng, bằng cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Nếu sinh viên tốt nghiệp không có việc làm tốt, không có cơ hội phát triển… thì các lứa thí sinh tiếp theo sẽ không lựa chọn ngôi trường đó để học tập.

Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cũng nhấn mạnh, chất lượng đào tạo phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó điểm thi đầu vào chỉ là một trong nhiều yếu tố. Để kiểm soát chất lượng đào tạo trong giáo dục ĐH trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, tăng cường triển khai tự chủ đại học đi kèm với trách nhiệm giải trình (trong đó có công tác tuyển sinh); tăng cường rà soát và yêu cầu nâng cao đối với các điều kiện bảo đảm chất lượng của các trường, các ngành đào tạo; đề xuất chính sách ưu tiên đầu tư vào các trường đào tạo các nhóm ngành trọng điểm... Do đó, xem xét các phân tích nêu trên thì việc quy định mức sàn chung để xét tuyển ĐH cho toàn hệ thống là chưa có căn cứ chắc chắn, cũng chưa đảm bảo tính khả thi để phát huy tác dụng trong thực tiễn…

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top