Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục góp phần “làm giàu” cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

09:39 - Thứ Sáu, 12/07/2024 Lượt xem: 4377 In bài viết

Xác định chuyển đổi số giáo dục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, toàn ngành giáo dục đã quyết tâm, nỗ lực nhằm tạo những đột phá trong chuyển đổi số. Đến nay, cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đã kết nối, xác thực và định danh của hơn 24 triệu giáo viên và học sinh, đạt tỷ lệ 100%.

Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục cũng đã “làm giàu” cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông tin giáo dục của hơn 24 triệu công dân; tạo thuận lợi cho học sinh trong đăng ký thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học và tuyển sinh đầu cấp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, đến thời điểm này đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục. Trong đó, đối với cơ sở dữ liệu giáo dục mầm non, đã số hóa dữ liệu của gần 22.000 cơ sở giáo dục và nhóm trẻ độc lập, gần 500 ngàn hồ sơ giáo viên và hơn 5 triệu hồ sơ trẻ em. Đối với dữ liệu cơ sở giáo dục phổ thông, đã số hóa dữ liệu của hơn 26.000 cơ sở giáo dục; gần 800 ngàn hồ sơ giáo viên và hơn 18 triệu hồ sơ học sinh.

Những đột phá trong chuyển đổi số giáo dục mang lại nhiều tiện ích, thuận lợi cho người học. (Ảnh minh họa)

Cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS) với 470 cơ sở đào tạo đại học, trên 25.000 chương trình đào tạo, trên 100.000 hồ sơ cán bộ, gần 3 triệu hồ sơ người học. Đặc biệt, triển khai Đề án số 06, cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đã kết nối thành công với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Từ năm 2022, cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đã kết nối, xác thực và định danh của hơn 24 triệu giáo viên, học sinh đạt tỷ lệ gần 98%, đến nay đã đạt tỷ lệ 100%. Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục cũng đã “làm giàu” cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông tin giáo dục của hơn 24 triệu công dân.

Kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. HEMIS hàng năm đã kết nối và đồng bộ chia sẻ dữ liệu việc làm của trên 97.000 sinh viên đã tốt nghiệp. Hiện nay, các cơ sở đào tạo đang tiếp tục rà soát cập nhật dữ liệu sinh viên ra trường để có báo cáo đánh giá, phân tích tin cậy. Kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về công chức viên chức do Bộ Nội vụ quản lý. Hiện nay, đã thực hiện báo cáo được gần 18.000 hồ sơ viên chức của các đơn vị trực thuộc Bộ trên tổng số 20.000 lên cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.

Trên cơ sở dữ liệu sạch, ngành giáo dục đã và đang triển khai hiệu quả các ứng dụng phục vụ người dân: Đã đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho phép 100% học sinh, khoảng 1 triệu thí sinh hàng năm đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT; đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến phục vụ gần 700.000 thí sinh đăng ký các nguyện vọng tuyển sinh vào đại học, thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến và thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến. Đặc biệt, từ năm 2023, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Công an đưa vào sử dụng chính thức công cụ khai thác dữ liệu dân cư trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục nhằm phục vụ các cơ sở giáo dục kiểm tra, xác nhận cho thí sinh về thông tin cư trú phục vụ công tác tuyển sinh đầu cấp. Mỗi năm phục vụ hàng triệu thí sinh thực hiện tuyển sinh đầu cấp và tốt nghiệp THPT sử dụng dịch vụ này.

Khẳng định cơ sở dữ liệu này sẽ góp phần điều chỉnh, thay đổi phương thức làm việc, giảm thiểu nhiều công sức và tăng chất lượng, hiệu quả công việc, Bộ GD&ĐT cho biết, trong thời gian tới, các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia giao như: Hoàn thành thí điểm triển khai học bạ số cấp tiểu học và có hướng dẫn phương án triển khai học bạ số trong năm học 2024-2025; đưa vào khai thác, sử dụng các sản phẩm kết quả của dự án xây dựng Trung tâm quản lý, điều hành giáo dục; nghiên cứu, xây dựng phương án triển khai nhiệm vụ “Xây dựng cơ sở dữ liệu văn bằng, chứng chỉ do Bộ GD&ĐT quản lý” trong năm 2025; ban hành Khung năng lực số đối với người học; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án thí điểm triển khai mô hình giáo dục đại học số, Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Chuyển đổi số, cải cách hành chính được xem là một trong những trọng tâm công tác, khâu đột phá để đổi mới giáo dục, đào tạo nói chung, đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nói riêng. Đây cũng là nội dung được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tổ chức họp thường xuyên. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp quan tâm đốc thúc công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính. Theo người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo, với một ngành có quy mô lớn, nhiều thách thức, các công việc chưa bao giờ là dễ dàng như ngành giáo dục thì rất cần trí tuệ, kinh nghiệm, quyết tâm, chủ động để thực hiện nhiệm vụ này.

Về một số việc cần làm trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị mỗi đơn vị cục, vụ hàng năm cần đăng ký một việc cụ thể ứng dụng chuyển đổi số, cải cách hành chính phục vụ cho quản lý nhà nước phù hợp với đơn vị mình; có sự phối hợp, kết nối giữa các đơn vị; triển khai ngay một số ứng dụng trong lĩnh vực quản lý ngành và xây dựng, triển khai khung năng lực số với cán bộ, công chức của Bộ GD&ĐT. Về triển khai học bạ số đang được thí điểm trên toàn quốc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý đơn vị đầu mối bên cạnh đánh giá hoạt động thí điểm cần đề xuất các việc làm tiếp theo để chuẩn bị ứng dụng từ đầu năm học mới…

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top