Tại dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố công khai, xin ý kiến các đơn vị, cá nhân mới đây, một trong các nội dung đang có nhiều ý kiến khác nhau là đề xuất nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, ủng hộ; còn không ít ý kiến băn khoăn khi cho rằng, liệu chứng chỉ hành nghề có trở thành “giấy phép con”, tạo thêm áp lực cho nhà giáo?
Nhà giáo đã được tuyển dụng, đang làm việc trong các cơ sở giáo dục có thể sẽ được cấp giấy phép hành nghề. Ảnh: Đỗ Tâm
Cấp chứng chỉ hành nghề để làm gì?
Theo thông tin từ Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo, tên gọi chính xác của chứng chỉ hành nghề là giấy phép hành nghề dạy học. Mục đích của việc cấp giấy phép hành nghề dạy học là để làm điều kiện tham gia tuyển dụng nhà giáo trong cơ sở giáo dục hoặc là căn cứ để nhà giáo có thể làm việc theo chế độ thỉnh giảng hoặc hành nghề dạy học tự do.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu nhà giáo đang làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Ngoài ra còn có hơn 900.000 nhà giáo nghỉ hưu vẫn đang có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Biên chế của ngành Giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước.
Câu hỏi được quan tâm hiện nay là điều kiện nào để nhà giáo được cấp giấy phép hành nghề dạy học? Những người đang làm nghề dạy học thì có phải qua sát hạch để được cấp giấy phép hay không? Thông tin từ ban soạn thảo cho biết, có 3 điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề dạy học, gồm: Đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo; hoàn thành nội dung bồi dưỡng và thực hành nghề; đạt kết quả đánh giá để cấp giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, nhà giáo đã được tuyển dụng, đang làm việc trong các cơ sở giáo dục và nghỉ hưu trước ngày luật có hiệu lực thi hành thì sẽ được cấp giấy phép hành nghề mà không yêu cầu có đủ các điều kiện vừa nêu.
Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Vũ Minh Đức thông tin thêm, việc cấp giấy phép hành nghề nhà giáo còn giúp tránh tình trạng người không đủ tiêu chuẩn dạy học nhưng vẫn tự xưng là nhà giáo. Bộ cũng đã tính toán phương án chuyển tiếp thuận lợi khi luật có hiệu lực.
Cần tránh xáo trộn và gây áp lực
Góp ý hoàn thiện dự thảo, cùng với các địa phương trên cả nước, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã triển khai xin ý kiến về các nội dung của dự thảo Luật đến hơn 125.000 nhà giáo toàn ngành. Rất nhiều nhà giáo đã góp ý vào dự thảo Luật với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết.
Đồng tình với quy định nhà giáo cần có giấy phép hành nghề, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) Vũ Đình Hà nhận định, việc cấp giấy phép hành nghề nhà giáo giúp các nhà trường thuận lợi hơn khi tuyển dụng, luân chuyển giáo viên. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, tránh xáo trộn và không gây áp lực cho nhà giáo trong quá trình thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng lộ trình và điều kiện cụ thể trong việc cấp giấy phép hành nghề với từng đối tượng.
Bên cạnh việc thể hiện sự đồng thuận, mong Luật Nhà giáo sớm được ban hành, đi vào cuộc sống, song nhiều nhà giáo đang trực tiếp làm công tác giảng dạy ở bậc phổ thông của Hà Nội còn không ít băn khoăn, liệu rằng giấy phép hành nghề có trở thành “giấy phép con” gây khó khăn cho những người làm nghề?
Thực tế, để được đứng lớp, ngoài tấm bằng đại học sư phạm, giáo viên phải có nhiều chứng chỉ khác như tin học, ngoại ngữ và các quy định về chức danh nghề nghiệp... Nếu sắp tới phải có thêm giấy phép hành nghề thì thủ tục thế nào, giáo viên có phải tốn kém kinh phí và thời gian để bồi dưỡng thêm nội dung gì hay không? Còn Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT nêu ý kiến, hiện nay, giảng viên đại học phải có chứng chỉ sư phạm mới được giảng dạy, kể cả người đã được phong giáo sư, vậy nếu phải có giấy phép hành nghề thì nhà giáo nên được xem xét giảm các loại chứng chỉ khác?
Trong khi đó, sinh viên Khoa Sư phạm (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) Nguyễn Thu Trang băn khoăn: “Trong bối cảnh công việc của nhà giáo nhiều áp lực, mức lương còn thấp, nay lại thêm điều kiện phải được cấp giấy phép hành nghề, em rất lo lắng. Em mong cấp có thẩm quyền xem xét thêm về điều kiện cấp giấy phép hành nghề; đồng thời sớm đưa chính sách về lương nhà giáo được xếp cao nhất trong bảng lương hành chính sự nghiệp vào thực tế để giúp sinh viên sư phạm yên tâm hơn khi đến với nghề”.
Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến nay, Bộ đã nhận được ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà giáo của 63 tỉnh, thành phố, nhiều bộ, ngành, đơn vị trực thuộc và đang khẩn trương tổng hợp để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Chính phủ vào tháng 8-2024. Theo kế hoạch, chậm nhất trước ngày 1-9-2024, dự thảo sẽ được hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp thời hạn thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội và gửi các đại biểu Quốc hội trước ngày 20-9-2024.