Nâng cao chất lượng các mô hình học tập

15:14 - Thứ Ba, 13/08/2024 Lượt xem: 3341 In bài viết

Những năm qua, bên cạnh việc tăng cường các mô hình gia đình học tập (GĐHT), dòng họ học tập (DHHT), đơn vị học tập (ĐVHT) ở cơ sở…, các cấp, ngành ở Hà Nam tích cực triển khai xây dựng có hiệu quả mô hình cộng đồng học tập (CĐHT). Từ những mô hình này đã động viên, khuyến khích phong trào học tập, tạo điều kiện, cơ hội cho mọi người dân được học tập suốt đời, gắn với những tiêu chí cụ thể, bước đầu đáp ứng các nhu cầu học tập trong nhân dân.

Là địa bàn có tốc độ phát triển nhanh, mạnh về kinh tế và đô thị hóa đã kéo theo sự phát triển tích cực về lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập của người dân. Chính vì vậy, phong trào xây dựng GĐHT, DHHT, CĐHT trên địa bàn thành phố Phủ Lý phát triển mạnh. Việc phấn đấu xây dựng GĐHT, DHHT, CĐHT đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều gia đình, dòng họ, đơn vị và trở thành phong trào rộng lớn trong toàn thành phố. Thành phố hiện có hàng chục nghìn mô hình GĐHT, DHHT, CĐHT, ĐVHT ở cơ sở được công nhận. Ngoài ra, tại các địa phương trên địa bàn thành phố đều xây dựng và duy trì hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng, tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phổ biến chính sách, pháp luật góp phần nâng cao hiểu biết cho người dân về các lĩnh vực của đời sống xã hội, tiếp thu và chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thực tế từ thành phố Phủ Lý đã xuất hiện những cách làm thiết thực, những nhân tố điển hình nỗ lực hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập, góp phần không nhỏ cho phát triển KT-XH chung.

Các mô hình học tập của thành phố Phủ Lý phát triển mạnh, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục.

Để được công nhận đạt tiêu chuẩn CĐHT cấp xã theo Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cần phải thực hiện tốt 15 tiêu chí. Trong đó, có một số tiêu chí quan trọng phải được đánh giá thường xuyên như: mạng lưới và hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn; xây dựng GĐHT, CĐHT cấp thôn, xóm; xây dựng khu dân cư văn hóa...

Ông Dương Hồng Quảng, Trưởng họ Dương Phú làng Phù Lưu (xã Nguyễn Úy, Kim Bảng), chia sẻ: Những năm qua, thực hiện chủ trương về xây dựng phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng…, các mô hình học tập của dòng họ Dương Phú được tiếp thêm khí thế và động lực mới. Các hộ gia đình là đảng viên đều đăng ký phấn đấu trở thành GĐHT. Mô hình GĐHT, DHHT của họ Dương Phú đã tạo được không khí thi đua giữa các gia đình trong dòng họ, trong làng xóm làm cho nhiều dòng họ vốn hoạt động còn trầm lắng trở nên sôi động hơn. Căn cứ theo các tiêu chí chung, dòng họ có tới 91,6% gia đình đạt danh hiệu GĐHT, “Gia đình văn hoá”; dòng họ Dương Phú đạt danh hiệu DHHT tiêu biểu xuất sắc của xã, huyện và được các cấp khen thưởng.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, duy trì và phát triển các mô hình học tập ở cộng đồng, các địa phương trong toàn tỉnh đã lập kế hoạch xây dựng các mô hình học tập theo tiêu chí của Hội Khuyến học (HKH) Việt Nam; tổ chức hội nghị phổ biến nội dung tiêu chí của DHHT và GĐHT đến hộ gia đình; vận động các gia đình đăng ký xây dựng GĐHT. Cùng với  đó, tại địa bàn cơ sở đã thực hiện phân công chi trưởng của các dòng họ có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi quá trình học tập, lao động của các gia đình trong chi họ, dành thời gian thăm hỏi và nắm tình hình hộ của chi họ; đăng ký với HKH và chính quyền địa phương về xây dựng mô hình học tập.

Được biết, sau khi phát động, gần như 100% gia đình trong các dòng họ phấn khởi, tự nguyện đăng ký xây dựng các mô hình học tập, chủ động giáo dục, động viên con cháu tích cực học tập. Các gia đình thi đua phấn đấu làm kinh tế để không có hộ nghèo, tạo điều kiện tốt nhất cho con cháu học tập. Một số gia đình còn có hình thức khen thưởng riêng cho con cháu đạt thành tích cao trong học tập, động viên kịp thời con cháu  vươn lên trong học tập.

Với quan điểm xây dựng mô hình CĐHT cấp xã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và các phong trào xã hội của địa phương, những năm qua, HKH các xã, phường, thị trấn đã tranh thủ sự ủng hộ mọi mặt của cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể triển khai các hoạt động liên quan tới xây dựng mô hình. Theo đó, làm tốt công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập trong các tầng lớp nhân dân, duy trì hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng, xây dựng kế hoạch tổ chức chuyên đề ở tất cả các lĩnh vực, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về việc tham gia xây dựng các mô hình xã hội học tập nói chung, mô hình CĐHT nói riêng… Bên cạnh đó, HKH các cấp đã phát động và đẩy mạnh phong trào học tập tới từng thôn, xóm, tổ dân phố, làm cho ngày càng nhiều người dân hiểu được ý nghĩa của việc học hỏi, tiếp thu tri thức mới, vận động học sinh thi đua học tập tốt.

Cùng với các hoạt động thông tin, truyền thông, việc tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời được duy trì hằng năm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và vào cuộc tích cực hơn của các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, tạo điều kiện, tham gia xây dựng mô hình CĐHT ở từng đơn vị. Ở nhiều nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tăng cường chỉ đạo thực hiện, đánh giá, xếp loại các danh hiệu học tập, gắn các tiêu chí của mô hình CĐHT với các mục tiêu phát triển KT-XH, xây dựng các mô hình học tập suốt đời cho cán bộ, người lao động và nhân dân địa phương, động viên người dân tham gia học tập.

Với chức năng của mình, những năm qua, ngành giáo dục đã thực hiện có hiệu quả nhiều nội dung liên quan tới xây dựng xã hội học tập. Theo đó, ngành đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, địa phương trong toàn tỉnh phối hợp tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, với kết quả 100% trẻ em 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, trên 99% trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, số người trong độ tuổi 15-60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 đạt tỉ lệ 99,99%... Hà Nam được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Thanh Hà
Bình luận

Tin khác

Back To Top