Thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới: Băn khoăn về cấu trúc đề thi môn Ngữ văn

09:48 - Thứ Năm, 15/08/2024 Lượt xem: 3972 In bài viết

Trong khung kế hoạch năm học 2024-2025 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 dự kiến diễn ra trong hai ngày 26-27/6. Đây cũng là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới ban hành năm 2018.

Để tạo thuận lợi cho thí sinh, Bộ GD&ĐT đã công bố cấu trúc, định dạng tất cả các môn thi tốt nghiệp THPT. Tuy vậy, xung quanh cấu trúc định dạng đề thi môn Ngữ văn vẫn còn không ít băn khoăn.

Bộ GD&ĐT cho biết, năm đầu tiên đổi mới phương án thi, kỳ thi có nhiều điểm mới, trong đó nội dung thi sẽ bám sát chương trình GDPT 2018 mà lứa học sinh lớp 12 năm tới tiếp cận được 3 năm từ lớp 10 đến lớp 12. Với môn Ngữ văn thi theo chương trình mới, ngữ liệu có thể ra hoàn toàn ngoài sách giáo khoa. Khi đó, học sinh sẽ phải thực hiện các yêu cầu trên ngữ liệu mới hoàn toàn do đó sẽ chấm dứt tình trạng đồn đoán về đề thi cũng như học sinh sẽ không còn học tủ, học lệch.

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được đổi mới phù hợp với chương trình GDPT 2018. Ảnh minh họa

Và để tạo thuận lợi cho học sinh, Bộ GD&ĐT đã công bố cấu trúc định dạng tất cả các môn thi tốt nghiệp THPT 2025, trong đó Ngữ văn là môn duy nhất thi theo hình thức tự luận. Thay vì có ba phần trong đề thi như năm 2024 trở về trước, đề thi Ngữ văn của kỳ thi từ 2025 sẽ có hai phần trong thời gian 120 phút, có định dạng và cấu trúc gồm: Phần “Đọc hiểu” (4 điểm) với một ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, thuộc một trong ba loại gồm văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin; phần viết (6 điểm), trong đó 1 đoạn văn 2 điểm và 1 bài văn 4 điểm.

TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận định, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã tạo một áp lực không nhỏ về tính vừa sức của đề, tính khả thi cho việc học sinh hoàn thành các yêu cầu của đề thi. Theo cô Tuyết, nhìn chung đề thi quá sức với phần đông học trò bởi học sinh phải tiếp cận, đọc, hiểu, phân tích, bình giá… ít nhất hai văn bản có thể hoàn toàn mới mẻ. Cùng với đó, với những đề nghiêng về hướng tách rời nội dung nghị luận của phần Viết với văn bản phần Đọc hiểu, mạch tư duy của học sinh bị đứt đoạn, xáo trộn tới ba lần trong 120 làm bài, mất tính kết nối, sự kế thừa. Ngoài ra, dung lượng kiến thức Tiếng Việt và kiến thức văn học cùng hệ thống kĩ năng học sinh phải huy động cho việc thực hiện yêu cầu của đề quá lớn…

Từ thực tế trên, cô Tuyết cho rằng, việc thay đổi công tác kiểm tra đánh giá với sự đổi mới cấu trúc, định dạng và ma trận mới của đề thi là điều tất yếu phải thực hiện để hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh, triệt tiêu nạn dạy và học theo văn mẫu, học tủ, học vẹt… nhưng mọi bước ngoặt đều nên có một lộ trình thích hợp. Và ngay trong cấu trúc, định dạng của đề thi, cũng nên nghĩ tới tính tích hợp, sự kế thừa, tính liền mạch của tư duy, vừa giảm áp lực cho học trò, vừa cũng làm tăng tính khoa học, tạo mối liên hữu cơ giữa các thành tố trong một chỉnh thể đề thi. Do đó, để giảm bớt áp lực cho học trò, để tạo tính liền mạch trong tư duy, tính liên kết của các thành tố trong một chỉnh thể, cô Tuyết đề xuất dù nghị luận xã hội hay nghị luận văn học cũng nên yêu cầu luận về một vấn đề xã hội/văn học đặt ra trong văn bản đọc hiểu. Cùng với đó, trước khi hiện thực hóa đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo cấu trúc, định dạng đề minh họa, Bộ GD&ĐT cần có thực nghiệm và trao đổi rộng rãi với giáo viên của các tỉnh, thành trong cả nước nhằm huy động được tối đa sự đóng góp trí tuệ tập thể của thầy cô.

Mặc dù khẳng định cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn dự kiến cho năm 2025 phù hợp với định hướng đổi mới của chương trình GDPT năm 2018, nhất là quy định sử dụng ngữ liệu ngoài tất cả các bộ sách giáo khoa đang được lưu hành song PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình GDPT năm 2018 cũng cho rằng, cấu trúc đề thi cũng có khả năng gây áp lực đối với học sinh vì các em phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khó hơn trước trong một thời gian hạn chế. Và mức độ áp lực này sẽ rất đáng kể trong bối cảnh năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới, thời gian học theo chương trình và sách giáo khoa mới chỉ ba năm; kĩ năng đọc, viết của các em chưa thực sự đáp ứng ngay được yêu cầu, nhất là phần tự đọc hiểu và viết bài trên ngữ liệu mới. Ngoài ra, ông Hùng cũng khuyến cáo các địa phương không nên phỏng theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT để thiết kế đề thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10 một cách máy móc mà phải tuỳ vào điều kiện dạy học thực tế của mỗi địa phương.

Cũng theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, việc sử dụng ngữ liệu mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là điều bắt buộc, có như vậy mới đảm bảo đánh giá đúng kĩ năng đọc, viết của thí sinh; việc tăng thời gian làm bài lên nhiều hơn 120 phút cũng khó khả thi. Do đó, ông Hùng cho rằng, khối lượng công việc mà học sinh cần phải thực hiện để hoàn thành bài thi là điều cần cân nhắc kĩ trong đề minh họa theo hướng giảm nhẹ. Còn trong trường hợp cấu trúc đề thi không thay đổi thì chỉ có phương án đọc hiểu một văn bản (đoạn trích) thuộc loại văn bản văn học, viết một đoạn văn ngắn về văn bản (đoạn trích) ở phần đọc hiểu và viết bài văn nghị luận xã hội là có thể giúp giảm nhẹ việc đọc, viết dựa trên ngữ liệu mới. Ngoài ra, tên các nhóm câu hỏi đọc hiểu (nhận biết, thông hiểu, vận dụng) cũng như cách đặt câu hỏi được nêu làm ví dụ trong đề minh họa cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với đặc trưng của môn Ngữ văn.

Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ còn 4 môn

Theo quyết định về việc phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT, thay vì phải thi 6 môn như hiện nay, từ năm 2025, học sinh lớp 12 theo chương trình GDPT mới 2018 chỉ phải thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Hai môn thi bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn nằm trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, công nghệ. Mục đích tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top