Khốc liệt cuộc đua vào trường top khối C: Hơn 9,5 điểm 1 môn vẫn trượt

09:18 - Thứ Hai, 19/08/2024 Lượt xem: 3445 In bài viết

Năm nay, điểm chuẩn trúng tuyển đại học nhiều trường top, ngành hot rất cao, đặc biệt là điểm chuẩn khối C. Đơn cử như điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là 29,30 điểm. Điều này đồng nghĩa với việc, thí sinh dù đạt trên 9,5 điểm/môn vẫn trượt.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Theo đó, điểm chuẩn vào ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử đối với khối C cao nhất với 29,30 điểm; tiếp đến là Sư phạm Địa lý với 29,05 điểm. Đây cũng là mức điểm chuẩn cao nhất của năm 2024 tính tới thời điểm này. Và điều đáng nói, dù thí sinh đạt trên 9,5 điểm/môn song vẫn trượt vào 2 ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử. 

Chị N.T.L, phụ huynh tại Hà Nội có con đạt 29 điểm nhưng vẫn trượt vào ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: "Dù biết điểm chuẩn năm nay sẽ cao song gia đình chúng tôi vẫn cảm thấy sốc. Điểm chuẩn cao ở mức này thì đúng là "lạm phát" quá và thiệt thòi cho các thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Nên chăng, các trường ĐH cần điều chỉnh lại tỷ lệ giữa các phương thức xét tuyển, đặc biệt là xét tuyển sớm để đảm bảo bảo công bằng cho thí sinh tham gia các phương thức xét tuyển khác nhau. Có như vậy thì việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT mới thật sự có ý nghĩa".

Điểm chuẩn vào các trường ĐH Sư phạm tăng mạnh so với năm 2023.

Thực tế cho thấy, không riêng gì ĐH Sư phạm Hà Nội mà điểm chuẩn của khối trường Sư phạm trên cả nước năm nay tăng đều và tăng mạnh nhất đối với khối C. Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, hai ngành Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Ngữ văn cùng có điểm chuẩn cao nhất là 28,83. Một ngành khác cũng lấy điểm chuẩn trên 28 là Sư phạm Lịch sử - Địa lý với 28,42. Đây là ngành đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp ở THCS, theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngành Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý của Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội năm nay cũng dẫn đầu với 28,76 điểm, tăng mạnh so với năm 2023. Năm 2024, Trường ĐH Vinh có 5 ngành lấy từ 28 điểm trở lên, trong đó, Sư phạm Lịch sử dẫn đầu với 28,71, tăng 0,59 điểm so với năm ngoái; Sư phạm Địa lý và Sư phạm Ngữ văn đứng thứ hai, lần lượt 28,5 và 28,46 điểm. Còn tại Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, ngành Sư phạm Ngữ văn cũng có điểm chuẩn cao nhất là 27 điểm.

Ở một số trường top khác, một số ngành xét tuyển khối C điểm chuẩn cũng tiếp tục duy trì ở mức cao. Cụ thể, điểm chuẩn Học viện Ngoại giao năm nay cao nhất là ngành Trung Quốc học ở tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) với 29,2 điểm; tiếp đến là ngành Truyền thông quốc tế với 29,05 điểm. Tương tự, điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành Quan hệ công chúng (khối C) của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội năm nay cao nhất là 29,1 điểm; hai ngành Báo chí và  Hàn Quốc học cũng xét tuyển khối C đều có điểm chuẩn trên 29.

Điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành Luật Kinh tế (tổ hợp C00) của Trường ĐH Luật Hà Nội năm nay cao nhất với 28,85 điểm. Năm nay, ngành Truyền thông đa phương tiện của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng có điểm chuẩn cao nhất là 28,25 điểm; tiếp đến là ngành Truyền thông đại chúng với 28,05 điểm.

Ở khối các trường Quân đội, năm nay, thí sinh xét tuyển vào trường Sĩ quan Chính trị bằng tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) phải đạt 28,55, đồng thời có điểm thi môn Ngữ văn từ 9,5 trở lên mới trúng tuyển. Đây cũng là mức điểm chuẩn cao nhất trong 17 trường quân đội trong năm 2024.

Theo phân tích của các chuyên gia, điểm chuẩn vào khối C xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng mạnh xuất phát từ nhiều lý do. Đầu tiên là do phổ điểm các môn thi tốt nghiệp như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý năm nay đều tăng mạnh, số lượng bài thi đạt điểm từ 9 trở lên nhiều. Thứ hai là chỉ tiêu xét tuyển vào một số ngành hot khối C không tăng trong khi nhiều trường lại sử dụng thêm các phương thức xét tuyển sớm khác như thi đánh giá năng lực và một số phương thức xét tuyển kết hợp khác khiến cho chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm, đẩy mặt bằng điểm chuẩn tăng lên.

Riêng đối với nhóm các trường ĐH Sư phạm, ngoài 2 nguyên nhân trên, còn có một nguyên nhân khác đẩy điểm chuẩn lên cao là do tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành Khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên tăng đột biến ở mức trên 80% so với năm 2023. Điều này cho thấy, các chính sách đối với ngành Sư phạm như miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên đã bước đầu tác động tích cực đến việc lựa chọn ngành nghề của thí sinh. 

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top