Thắp sáng tri thức trong đêm

08:51 - Thứ Năm, 29/08/2024 Lượt xem: 4157 In bài viết

ĐBP - Khi màn đêm buông xuống, những lớp học xóa mù chữ ở các bản vùng cao Ðiện Biên Ðông lại sáng đèn.

Lớp học xóa mù chữ tại bản Mường Luân 1, xã Mường Luân.


Ðể được học chữ, chị Giàng Thị Dua (36 tuổi, ở bản Pa Cá, xã Phình Giàng) không ngại địu con thơ đi học cùng mẹ tại lớp xóa mù chữ ở điểm trường bản Pa Cá. Một tay bế con đã say giấc, tay kia cầm bút tập tô chữ cái.

Chị Dua vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: “Trong bản giờ nhiều người biết đọc, biết viết, mình không biết chữ thì ngại lắm. Sau một thời gian theo học lớp xóa mù chữ, giờ đây tôi có thể ghép vần đọc được một số từ đơn giản. Biết chữ sẽ không sợ nghèo, sợ dốt nữa.”

Ðều đặn từ tối chủ nhật đến thứ năm hàng tuần, tại điểm trường bản Mường Luân 1, Trường PTDTBT-TH Mường Luân (xã Mường Luân) lại sáng đèn, vang tiếng tập đánh vần. Học viên lớp xóa mù chữ có độ tuổi từ 15 - 60, đa phần là lao động chính, nên luôn bận bịu việc gia đình... Bàn tay chai sạn vốn quen cầm cuốc, cầm dao, nay cầm bút viết từng nét chữ, có chút ngượng nghịu, vướng víu, nhưng nhìn vào ánh mắt của họ, chúng tôi thấy cả niềm hân hoan.

Phần lớn các học viên là lao động chính trong gia đình, vì thế lớp học xóa mù chữ ở Điện Biên Đông được tổ chức vào buổi tối.

Là 1 trong số 24 người tham gia lớp xóa mù chữ do Trường Phổ thông DTBT-TH Mường Luân tổ chức tại bản Mường Luân 1, bà Lò Thị Nọi (57 tuổi) chăm chú học đọc, viết. Tuy lớp học tổ chức vào các buổi tối nhưng bà Nọi đi học rất chuyên cần. Từ khi đăng ký tham gia lớp học, bà chủ động sắp xếp việc nhà làm gọn trong ngày để dành thời gian đến lớp học mỗi tối.

Bà Nọi bày tỏ: “Tôi từng đi học xóa mù chữ nhưng lâu quá rồi, lại chỉ ở quanh quẩn trong bản nên ít sử dụng tiếng phổ thông, dần dần quên hết. Giờ con cháu đã lớn, các cháu đều biết chữ, học hành tiến bộ mà tôi lại không biết chữ thì thấy ngại với con cháu. Muốn đọc, muốn hiểu chủ trương, chính sách để khuyên bảo con cháu cũng không làm được. Do vậy, tôi đã đăng ký học lớp xóa mù chữ tại bản.”

Dạy chữ ở vùng cao vốn đã khó khăn, vất vả trăm bề, thì dạy chữ ở những lớp xóa mù chữ khu vực này, nhất là cho đối tượng cao tuổi, khả năng tiếp thu cũng hạn chế - càng gian nan hơn. Bởi vậy, để “gieo” được con chữ, không chỉ là khắc phục khó khăn, phải có lòng yêu nghề, mà hơn hết là tình yêu với vùng đất, đồng bào của những thầy, cô giáo vùng cao.

Lớp xóa mù chữ bản Na Cai, xã Luân Giói thu hút nhiều học viên nữ tham gia.

Trao đổi về chương trình tổ chức các lớp học xóa mù chữ tại địa bàn, thầy giáo Ðinh Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT-TH Mường Luân cho biết: “Tại xã Mường Luân hiện có 2 lớp xóa mù chữ giai đoạn 2 tổ chức tại bản Mường Luân 1 và bản Na Pục. Mỗi lớp có từ 24 học viên và được bố trí 3 giáo viên phụ trách mỗi lớp, học trong thời gian 9 tháng. Từ tối chủ nhật đến thứ năm hàng tuần, giáo viên đều đặn về bản dạy chữ cho bà con, trong đó nhiều người là phụ huynh của học trò mình.”

Ðể có được sự tham gia đông đảo, chuyên cần của bà con tại các lớp xóa mù chữ, khi được giao nhiệm vụ tổ chức lớp, các thầy, cô giáo chủ động cùng cán bộ xã, bản đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con. Các thầy, cô giáo đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết của việc biết chữ trong đời sống. Ví dụ không biết chữ thì sử dụng điện thoại di động rất khó. Bà con không biết lưu số điện thoại, không nhắn tin được cho người thân và xem tin tức. Cùng với đó, khi hưởng các chế độ, chính sách cũng không ký tên được. Hiểu được học chữ là cần thiết nên bà con đã đăng ký theo học rất đông; sĩ số các lớp cũng luôn đảm bảo.

Dù từng học qua các lớp tiểu học hoặc các lớp xóa mù chữ nhưng do sống ở vùng sâu, vùng xa nên nhiều người dân tộc thiểu số tái mù chữ vì ít sử dụng. Bởi vậy, hàng năm UBND huyện Ðiện Biên Ðông luôn quan tâm chỉ đạo, xác định chỉ tiêu xóa mù chữ nhằm nâng cao dân trí cho người dân, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, xã hội.

Các học viên được giáo viên tỉ mỉ hướng dẫn cách đọc, viết.

Nói về công tác phổ cập giáo dục ở địa phương, ông Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Thực hiện Nghị định số 20/2014/NÐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, công tác xóa mù chữ, năm 2023 toàn huyện có 381 học viên hoàn thành chương trình tiểu học. Năm 2024, huyện mở được 19 lớp với 485 học viên tại các xã: Luân Giói, Tìa Dình, Phì Nhừ, Pú Hồng, Phình Giàng, Háng Lìa, Mường Luân. Từ nay đến cuối năm huyện tiếp tục duy trì giảng dạy tại 7 lớp đã mở. Năm 2025 huyện có kế hoạch mở 72 lớp với 1.500 học viên tại tất cả các xã trên địa bàn. Ðến nay, 14/14 xã với trên 80% người trong độ tuổi từ 15 - 60 trên địa bàn huyện biết chữ mức độ 2.

Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top