Chông chênh đường “gieo chữ” trước thềm năm học mới

10:52 - Thứ Bảy, 31/08/2024 Lượt xem: 4377 In bài viết

ĐBP - Suốt gần 2 tháng với nhiều đợt mưa lớn liên tục, Điện Biên hứng chịu biết bao thiệt hại, mất mát cả về người và tài sản. Trong đó, giao thông là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, xảy ra ở khắp các địa phương trong tỉnh. Nhiều tuyến đường bị sụt lún, sạt lở, chia cắt... Bởi vậy mà đường đến trường “gieo chữ”, chuẩn bị cho năm học mới của giáo viên vùng cao càng thêm nhọc nhằn...

Cô Giàng Thị Mỷ “cắm bản” dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1 điểm trường Pá Liếng trước ngày khai giảng.

Gian nan lên bản xa

Điểm trường Pá Liếng (Trường Tiểu học Hua Nguống, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng) chỉ cách trường trung tâm 12km nhưng cô giáo Giàng Thị Mỷ phải khởi hành từ tờ mờ sáng để kịp giờ lên lớp ngày đầu tuần. Mặc dù chưa chính thức vào năm học mới, lớp của cô Mỷ đã đông đủ các em khối 1 tham gia học tăng cường tiếng Việt (cho học sinh dân tộc thiểu số theo chỉ đạo chung của ngành Giáo dục). Đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng đường đến trường hôm nay vẫn khiến cô cùng các đồng nghiệp không khỏi chùn chân.

Sau trận mưa đêm qua, con đường vốn lầy lội, lún bùn đất đỏ quạch, xẻ rãnh, sống trâu gồ ghề lại thêm nhiều thử thách bởi có đoạn sạt lở, mất đường. Các thầy cô đành phải gửi xe nhà dân, tiếp tục đi bộ gần 1 tiếng đồng hồ đến điểm bản. Đã nặng hành trang, trời lại bất chợt đổ mưa tầm tã. Gian nan là thế, các giáo viên vùng cao nơi đây vẫn cố gắng vượt qua, không để học sinh phải chờ đợi. Sau gần 2 giờ khó nhọc, cô Mỷ mới đến được điểm trường.

Đây là năm thứ 4 cô Mỷ gắn bó với điểm bản Pá Liếng. Mặc dù đường đã được san gạt mở rộng, nhưng năm nay mưa nhiều, kéo dài nên đi lại vất vả, nguy hiểm. An toàn đến lớp, cô Mỷ chia sẻ: “Giáo viên tiểu học, mầm non “cắm bản” trên này không ai dám đi một mình mà thường cùng đi để hỗ trợ nhau. Chỉ lái xe máy được một đoạn mà vừa đẩy, vừa khênh xe, rồi bùn đất bám chặt bánh xe không di chuyển được, trơn ngã là chuyện “cơm bữa”. Mùa này, đoạn đường cuối đến Pá Liếng chỉ có thể đi bộ. Từ giữa tháng 8, chúng tôi lên điểm bản làm công tác tuyển sinh, huy động học sinh ra lớp, dọn dẹp vệ sinh trường lớp đã trải qua đủ khó khăn trên tuyến đường, nhưng sự chân chất của người dân, mong chờ của học trò và bằng nhiệt huyết với nghề, chúng tôi không bỏ cuộc”.

Đường đến điểm trường Pá Liếng những ngày cuối tháng 8 này.

Với đặc thù miền núi, đường xá chưa thuận lợi, mùa mưa lũ dễ xảy ra sạt lở, những con đường đến trường chông chênh như Pá Liếng có ở khắp các địa bàn trong tỉnh. Mỗi giáo viên vùng cao đều bất đắc dĩ quen với vô vàn thử thách, vất vả ấy, nỗ lực hết mình để mang con chữ lên bản làng xa xôi.

Không quản gian khó chuẩn bị cho năm học

Trường Mầm non xã Chung Chải, huyện Mường Nhé cũng chung gian khó ấy nhưng các phần việc cho năm học mới đều đã sẵn sàng. Trường vẫn còn nhiều điểm lẻ phải đi đường đất, như: Pá Lùng 5 - 6, Pá Lùng 4, Pá Lùng 1 - 2, Xà Quế, Húi To 2... Vào mùa mưa, đi lại không ít nguy hiểm. Đặc biệt, sau những trận mưa lớn, đường đi điểm trường bản Húi To 2 bị sạt đất từ ta luy dương xuống, cao vài mét mà chưa kịp khắc phục sự cố. Giáo viên nhà trường lại đều là nữ, mỗi lần đến điểm sạt lở phải dừng xe tìm người hỗ trợ, nhờ nam giới rê xe qua giúp.

Với giáo viên Pú Xi, những con đường như này đã thành quen thuộc mỗi mùa mưa đến.

Cô Nguyễn Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Chung Chải cho biết: “Trong này mưa liên tục, đường đến nhiều bản lầy lội, khó tránh khỏi trơn ngã. Dù vậy, sau thời gian trả phép, giáo viên đều đã có mặt tại trường, tranh thủ lúc nào ngớt mưa thì dọn dẹp khuôn viên ngoài trời; mưa to thì trang trí, lau dọn trong phòng học. Không thể chờ tạnh ráo nắng lên, giáo viên vẫn đi từng bản điều tra phổ cập, chuẩn bị các điều kiện đón trẻ, đoạn nào đường khó thì gửi xe, dắt nhau đi bộ. Nhờ đó, mọi phần việc được thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch, sẵn sàng cho năm học mới”.

Cán bộ, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Pú Xi (huyện Tuần Giáo) cũng đã tổ chức thành công ngày tựu trường tại điểm trường chính và 9 điểm lẻ, đón hơn 960 học sinh đến làm quen trường lớp, bố trí sắp xếp nơi ăn ở bán trú cho những ngày học chính thức. Là địa bàn xa, khó bậc nhất của huyện, thầy Bùi Đức Trọng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Đường khó, địa bàn khó với thầy cô đã thành quen, trở thành một phần cuộc sống, công việc hàng ngày”.

Đường đến điểm trường lẻ của giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Pú Xi do thầy cô ghi lại.

Bởi lẽ nhiều năm nay, đường từ UBND xã đến trường trung tâm, đường đi một số điểm bản (Pú Xi 2, Hua Mùn, Hát Láu, Hua Mức 2...) đều đã luyện “tay lái lụa” cho mỗi giáo viên. Mùa mưa này, có thêm nhiều điểm sạt lở, bùn lầy, các thầy cô tự khắc phục bằng đi đường vòng, đi bộ, gọi “cứu trợ” các giáo viên khác giúp đỡ... Từ sau ngày tập trung, đặc biệt là tựu trường và dạy tăng cường tiếng Việt cho khối lớp 1 (ngày 22/8), cán bộ, giáo viên đều đã “cắm bản”, nghỉ tại điểm trường, hoàn thiện mọi công tác từ dọn dẹp vệ sinh cơ sở vật chất, chuẩn bị đồ dùng, thiết bị dạy học, tuyên truyền tới phụ huynh, huy động học sinh ra lớp... “Dù thời tiết thế nào, năm học mới của thầy và trò Pú Xi cũng sẽ bắt đầu đúng lịch bằng ngày khai giảng ý nghĩa, an toàn” - thầy Bùi Đức Trọng chia sẻ thêm.

Quả thực, khó khăn đến mấy, với sự nỗ lực, tâm huyết của cán bộ, giáo viên từng trường nói riêng, ngành Giáo dục và Đào tạo toàn tỉnh nói chung, năm học mới 2024 - 2025 cũng vẫn được chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất, sẵn sàng chờ tiếng trống khai trường vang lên.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top