ĐBP - Chuẩn bị bước vào năm học mới, với nhiều ngôi trường ở vùng thuận lợi cũng đang có những bộn bề lo toan. Còn với những đơn vị trường ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa như Huổi Lếch, huyện Mường Nhé khó khăn nhân lên gấp bội…
Chúng tôi đến xã Huổi Lếch vào một ngày cuối tháng 8 – khi ngày khai giảng đã cận kề. Cũng như bao địa phương khác, thầy cô và học sinh Huổi Lếch đều đang hồ hởi, hân hoan chuẩn bị cho năm học mới. Nhưng thoáng trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, những “người lái đò” nơi đây vẫn không giấu được những nỗi niềm chất chứa.
Nơi chúng tôi dừng chân đầu tiên là Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Huổi Lếch – nằm cách trung tâm xã khoảng 5km. Tiếp chúng tôi, thầy Vũ Quang Huy, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch – người gắn bó trên 20 năm với Huổi Lếch, cho biết: “Nhà trường được thành lập từ tháng 9/2002. Sau hơn 20 năm thành lập, đến nay trường có 1 điểm trung tâm và 8 điểm bản, năm học này, trường có 22 lớp với hơn 500 học sinh. Được sự quan tâm từ các chương trình dự án, đến nay cơ sở vật chất trường lớp học phần lớn đã đươc đầu tư, mặc dù vậy nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện trường còn thiếu một số phòng chức năng như phòng Tin học, Thiết bị - Thư viện, nhà ăn, nhà vệ sinh ở các điểm trường. Bên cạnh đó, nhà trường còn chưa có phòng công vụ cho giáo viên ở xa, cũng như sân chơi, bãi tập tạo điều kiện cho các em hoạt động tập thể nội, ngoại khóa”.
“Cái khó nhất của nhà trường hiện nay là giao thông từ trung tâm huyện cũng như đến các điểm bản chưa được đầu tư bê tông, nhựa hóa một cách đồng bộ. Trường có 8 điểm trường lẻ, tất cả đều cách xa trung tâm, xa nhất là điểm trường Pa Tết. Trước đây các thầy cô còn tự đi xe máy được nhưng mùa mưa lũ năm nay sụt sạt nhiều quá. Có đoạn nương bị sạt mà người dân không cho san gạt. Thế nên, các thầy cô cắm Pa Tết phải nhờ thầy cô khác trong trường đưa đi. Từ đây đi lên được khoảng 14km thì gọi điện cho trưởng bản nhờ phụ huynh ra đón. Hoặc các thầy cô có thể đi bộ từ điểm đó, khoảng 6 tiếng sẽ đến nơi. Đường đi bộ bám theo đỉnh đồi, không mang nước thì không biết uống ở đâu…” – Thầy Vũ Quang Huy tâm tư.
Nói rồi thầy Huy cho chúng tôi xem một vài đoạn video các thầy cô ghi lại được cảnh 4 người khiêng một chiếc xe máy qua dòng nước lớn; tấm ảnh đoạn đường đầy bùn, đất, sụt sạt… trên con đường đến bản Pa Tết. Quả thực, sau khi nghe thầy Huy kể, lại xem những hình ảnh này, chúng tôi chỉ biết âm thầm khâm phục bản lĩnh của những nhà giáo vùng cao. Không chỉ vất vả mà họ còn đang đối diện với cả những hiểm nguy. Dù đã đi nhiều nơi, nghe nhiều chuyện nhưng chúng tôi không nghĩ rằng đến thời điểm này vẫn còn những điểm bản gian khó, vất vả đến như vậy!
Con đường cõng chữ lên non của các thầy, cô giáo ở Huổi Lếch.
Giờ trưa, chúng tôi về phòng công vụ của Trường PTDTBT THCS Huổi Lếch để ngả lưng. Đã mệt nhoài sau hành trình dài nhưng chúng tôi tiếp tục được trải nghiệm câu nói “gập ghềnh đường đến trường” theo đúng nghĩa đen. Bắt đầu từ ngã rẽ, con đường vào Trường PTDTBT THCS Huổi Lếch xuất hiện nhiều những ổ gà lồi lõm. Càng tiến vào sâu, đường xuất hiện nhiều rãnh lớn, vết tích của những chiếc xe tải đi lại trong một thời gian dài. Vào đến cổng trường, các rãnh càng hằn sâu hơn nữa, cùng với đó là đất ùn cao hai bên đường. Sân trường thì vẫn ngập trong bùn đất, ngổn ngang vật liệu xây dựng…
Thầy giáo Lương Trung Toàn, Phó Hiệu trường Phụ trách Trường PTDTBT THCS Huổi Lếch chia sẻ: “Do trong khuôn viên trường đang thi công dự án xây dựng nhà chức năng nên khá bừa bộn. Công trình cũng mới được khởi công dịp tháng 8 vừa qua nên dự kiến phải gần hết học kỳ 1 mới hoàn thành. Ban Giám hiệu cũng đang lo việc thiếu sân để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sân chơi cho các em trong khoảng thời gian đó…”
Trường Mầm non Huổi Lếch cũng bộn bề khó khăn trước khi bước vào năm học mới. Đón chúng tôi về thăm trường, cô Bùi Thị Sáu, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Mầm non Huổi Lếch tâm tư: “Năm học mới trường mở 16 lớp, với khoảng 320 học sinh, tạm thời có sự dao động. Trường có 9 điểm bản và 1 điểm trung tâm. Có nhiều điểm bản xa nhưng xa nhất vẫn là điểm Pa Tết cách trung tâm 35km. Năm học này ở Pa Tết có 52 học sinh, theo quy định cử 4 giáo viên nhưng tạm thời mới phân được 2 cô vì đang thiếu giáo viên, đang chờ tuyển mới. Để mà phân được giáo viên đi Pa Tết thì Ban Giám hiệu cũng rất trăn trở, phải xét hoàn cảnh gia đình, xong giáo viên còn phải biết đi xe máy, có tinh thần vượt khó cao. Trước khi cử giáo viên sang cũng phải làm công tác tư tưởng nhiều và cũng phải dành những phần khen thưởng xứng đáng cho sự hi sinh, vất vả của các cô…”
Được biết, Huổi Lếch là một trong những xã vùng cao khó khăn nhất huyện Mường Nhé. Đường sá đi lại xa xôi, địa hình chia cắt, cơ sở vật chất thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao… 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông. Trong khi một bộ phận phụ huynh học sinh chưa nhận thức rõ việc cho con em đến trường, đến lớp sẽ mang lại lợi ích lâu dài, việc đầu tư cho giáo dục còn hạn chế. Từ đó dẫn đến việc vận động học sinh đi học đều đặn, duy trì sĩ số gặp nhiều trở ngại, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Khó khăn là thế, nhưng xã Huổi Lếch lại là 1 trong các xã nội địa của Mường Nhé nên cán bộ, giáo viên không được hưởng các chế độ đãi ngộ như ở một số xã biên giới khác cùng huyện. Vì thế, vốn đã khó nay lại càng khó khăn hơn…
Cũng bởi điều này, trong những năm gần đây đã có nhiều giáo viên xin chuyển vùng hoặc nghỉ dạy dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp. Như tại Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch, năm học này có 22 lớp nhưng mới có 18 giáo viên; trong đó, đã có 3 giáo viên dạy các môn chuyên biệt. Như vậy, trường chỉ có 15 giáo viên có thể làm công tác chủ nhiệm. Nhân sự đã thiếu, mới đây trường lại có 1 giáo viên đang xin chuyển vùng về Sơn La, 5 giáo viên làm hồ sơ xin chuyển ra vùng ngoài.
Thầy Vũ Quang Huy, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch tâm sự: “Bây giờ trường chỉ cần đủ giáo viên làm chủ nhiệm lớp thôi! Trước mắt, Ban Giám hiệu mỗi người làm chủ nhiệm một lớp, còn tại các điểm bản thì giáo viên dạy lớp 1 thì chủ nhiệm luôn cả lớp 2. Tạm thời như thế đã, chờ xem thời gian tới có thêm giáo viên tăng cường cho đơn vị hay không…”.
Không chỉ ở cấp tiểu học mà thiếu giáo viên đang là tình trạng chung của các trường học trên địa bàn xã Huổi Lếch. Tại Trường PTDTBT THCS Huổi Lếch, hiện có 9 lớp nhưng mới có 11 giáo viên, thiếu 8 giáo viên, nhất là các môn chuyên biệt như Văn, Toán, tiếng Anh mỗi môn chỉ có 1 giáo viên. Một số môn khác như thể dục, âm nhạc, mỹ thuật còn chưa có giáo viên. Còn tại Trường Mầm non Huổi Lếch, về đội ngũ giáo viên theo định mức đang thiếu 6 giáo viên. Thế nhưng, trong 17 giáo viên của trường, có tới…12 giáo viên đang làm hồ sơ xin chuyển vùng công tác. Cộng thêm 1 cán bộ quản lý, 1 nhân viên y tế cũng đang làm hồ sơ thì trường có tới 14 nhân sự muốn thuyên chuyển.
Một năm học mới nữa lại sắp bắt đầu nơi rẻo cao Huổi Lếch. Ngày 5/9 tới đây, cả 3 đơn vị trường mầm non, tiểu học và THCS sẽ cùng đánh tiếng trống khai giảng năm học mới tại điểm trường chính của Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch. Và dù còn bộn bề khó khăn, các thầy cô giáo ở nơi đây vẫn rộn ràng lên đường xuống các điểm bản, chuẩn bị cơ sở vật chất, tích cực vận động học sinh ra lớp đúng tiến độ để năm học mới được bắt đầu đúng kế hoạch. Nhìn vào không khí đấy, chúng tôi vẫn cảm nhận được niềm tin, hi vọng của những người “gieo chữ” nơi đây. Họ đang âm thầm vượt qua những gian lao, thử thách, lặng lẽ cống hiến, hi sinh để cứ mỗi năm vào dịp đầu tháng 9, những cô cậu học trò nhỏ tại vùng đặc biệt khó khăn như Huổi Lếch cũng được nô nức tựu trường…