ĐBP - Bước vào năm học mới 2024 - 2025, tỉnh ta đã có thêm nhiều phòng học, nhà bán trú, công trình phụ trợ... được hoàn thiện, đưa vào sử dụng; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập trên khắp địa bàn và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.
Thời điểm này, nhà thầu thi công 4 phòng học mới tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Nậm Khăn (xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ) đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thiện, bàn giao công trình ít ngày sau khai giảng năm học mới. Đây là công trình mà nhà trường rất mong chờ. Không còn phải dạy và học trong gian nhà khung gỗ chật chội, vách đất, mối mọt, lợp tôn, xuống cấp nghiêm trọng là mong đợi từ lâu của thầy và trò nơi đây. Năm học trước, tại điểm trung tâm, nhà trường có 15 lớp học; trong đó 8 phòng học kiên cố, 3 phòng bán kiên cố, 4 phòng học tạm. Dãy phòng tạm trước là nhà công vụ cho giáo viên, dựng năm 2008, đến nay dù nhiều lần gia cố nhưng đa phần cột, tường, cửa làm bằng gỗ đều bị mối xông, thủng lỗ chỗ; nhiều vị trí tường trát đất bị rơi, rụng chỉ còn trơ lại khung. Nhưng do thiếu thốn cơ sở vật chất nên vẫn buộc phải bố trí 4 lớp, với hơn 100 học sinh học trong các phòng này.
Đầu tháng 7 mới đây, qua kết nối, xã hội hóa, nhà trường được Tổ chức Sao Biển - Room for Education và nhà tài trợ đầu tư xây cho 4 phòng học với diện tích là 42m2/phòng theo hình thức “chìa khóa trao tay”, tổng giá trị công trình tính trước thuế là 800 triệu đồng. Nhìn dãy nhà sắp hoàn thiện, thầy Nguyễn Văn Bốn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Thầy và trò sắp có phòng học mới rồi, ai cũng vui. Vậy là từ năm học này, sẽ không còn nỗi lo gian lớp học xuống cấp nguy hiểm, thay vào đó là phòng rộng rãi, kiên cố, sạch sẽ, mát mẻ, chắc chắn cả thầy và trò sẽ đều nỗ lực học tập tốt hơn”.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) cũng đón năm học mới trong niềm vui nhân đôi, bởi lẽ thầy và trò nhà trường sẽ không còn phải học tạm tại các phòng chức năng mà có 4 phòng học mới. Cùng với đó dãy nhà nội trú 18 phòng và 1 nhà thi đấu đa năng, với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, cũng được đưa vào sử dụng đầu năm học. Thầy Trần Thế Nghĩa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm nay, trường có 16 lớp, 638 học sinh (tăng 1 lớp, 60 học sinh so với năm học trước), nhưng không còn nỗi lo cũ. Với 4 phòng mới xây, hiện toàn trường có 16 phòng học, yên tâm, sắp xếp đảm bảo việc dạy và học chính khóa 1 ca/ngày; các em có điều kiện học tập, vui chơi tốt hơn. Đồng thời có thể dạy thêm, học thêm các ngày trong tuần để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục. Các học sinh nhà xa ở bán trú cũng có dãy nhà mới khang trang, đẹp đẽ đảm bảo ăn nghỉ và yên tâm học tập”.
Năm học 2024 - 2025, toàn huyện Tuần Giáo có 12 trường và điểm trường với 83 phòng học, 18 phòng bộ môn và nhiều hạng mục đã được đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa; với tổng kinh phí khoảng 29 tỷ đồng. “Việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng dạy và học, thực hiện tốt chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số” - ông Phạm Văn Tuân, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết.
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh được đầu tư xây dựng mới: 504 phòng phục vụ học tập; 264 phòng học bộ môn; 329 phòng ở nội trú, bán trú; 66 nhà bếp ăn; 195 phòng tắm; 317 phòng vệ sinh... Cải tạo, sửa chữa 460 phòng học; 125 phòng bộ môn, 253 phòng ở nội trú, bán trú, 461 phòng công vụ... Các công trình dự án đã và đang thực hiện cơ bản đảm bảo đúng tiến độ thi công và thời gian, kế hoạch theo quy định.
Để có những công trình ấy, các ngành, địa phương đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư công và ngân sách sự nghiệp hằng năm, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, hiện đại. Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 7.432 phòng học (76,47% kiên cố; 20,32% bán kiên cố; 3,18% tạm); 1.481 phòng học bộ môn (78,80% kiên cố; 17,89% bán kiên cố; 3,31% tạm); 3.994 phòng nội trú học sinh (61,69% kiên cố; 29,94% bán kiên cố; 10,17% tạm); 1.644 phòng công vụ giáo viên (52,74% kiên cố; 39,29% bán kiên cố; 10,1% tạm)... đáp ứng nhu cầu dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà”.