Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà

08:33 - Thứ Ba, 10/09/2024 Lượt xem: 9093 In bài viết

ĐBP - Năm học mới 2024 - 2025 là năm học đặc biệt khép kín chuỗi đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Đây cũng là năm ngành GD&ĐT tỉnh ta đặt quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục các cấp học...

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh sẵn sàng, hân hoan đón năm học mới với nhiều thay đổi.

Nhiều kinh nghiệm được đúc rút

Sau 2 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10 và 11, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh tiếp tục khẳng định được vị thế là một trong những đơn vị đứng đầu về chất lượng giáo dục khối các trường THPT của tỉnh. Xếp loại cuối năm học vừa qua, gần 30% học sinh đạt học tập tốt, gần 51% học tập khá; gần 93% rèn luyện tốt; tổng toàn trường có 207 giải học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 10, 11; 1 học sinh đạt giải ba học sinh giỏi quốc gia; 11/11 giáo viên tham gia thi và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh...

Để đạt được kết quả đó, thầy Vũ Trung Hoàn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá không phải là vấn đề mới, tuy nhiên trước sự thay đổi của Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo, mỗi nhà trường phải tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, áp dụng để đạt được hiệu quả cao nhất. Thực hiện nhiệm vụ này, nhà trường đã tập trung vào một số giải pháp và đúc rút được nhiều kinh nghiệm.

Theo thầy Hoàn, đầu tiên là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các thành viên trong nhà trường, các lực lượng ngoài trường có liên quan cùng tham gia quá trình đổi mới. Đồng thời thường xuyên bồi dưỡng giáo viên thông qua sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Qua đó mỗi giáo viên phải có kiến thức vững vàng để đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và áp dụng phù hợp vào thực tế giảng dạy của cá nhân. Nhà trường cũng giao quyền chủ động cho tổ, nhóm chuyên môn xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục các môn học, đảm bảo chương trình đó hiệu quả, phù hợp; đổi mới việc nhận xét, đánh giá khi dự giờ đồng nghiệp, tìm ra hướng tháo gỡ những tồn tại, hạn chế cho nhau; lấy việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá chuyên môn, nghiệp vụ và thi đua của người giáo viên...

Năm học mới 2024 - 2025 sẽ khép kín chuỗi đổi mới Chương trình GDPT 2018 từ lớp 1 – 12. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn khởi động, tìm hiểu bài học theo phương pháp mới.

Thực hiện dần qua từng năm, vừa áp dụng vừa tìm tòi, học hỏi, đến nay Chương trình GDPT đã đi vào thực tế được 4 năm (bắt đầu từ khối lớp 1), các nhà trường đều đã có cho mình nhiều kinh nghiệm phong phú, sâu sắc để triển khai hiệu quả chương trình. Trong đó chú trọng tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch giáo dục nhà trường theo quy định, phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có và yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Kết quả năm học vừa qua (năm 2023 - 2024), ngành đã thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với 100% học sinh lớp 1, 2, 3, 4; học sinh được đánh giá đầy đủ 5 phẩm chất, 10 năng lực; tỷ lệ chuyển lớp đạt 99,48%. Các trường trung học thực hiện hiệu quả chương trình đối với lớp 6, 7, 8, 10, 11, đảm bảo đúng lộ trình, thời gian.

Quyết liệt hơn cho năm học mới

Năm học 2024 - 2025, ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2018 với các lớp 5, 9, 12 (năm đầu thực hiện), đưa đồng loạt các khối lớp được “bao phủ” bởi chương trình mới. Ngành xác định nhiệm vụ: Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá tích cực theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; phát huy tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên... Năm học này, ngành cũng sẽ tiến hành rà soát, đánh giá việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.

Một mô hình mô phỏng phục vụ cho môn học do giáo viên Trường Tiểu học Hua Nguống, xã Ẳng Cang sáng tạo, đáp ứng giảng dạy Chương trình GDPT mới.

Từ đó các trường cũng đề ra nhiệm vụ rõ ràng cho mình. Trường Tiểu học Hua Nguống (xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng) năm nay có 20 lớp, 548 học sinh. Thầy Ngô Trọng Định, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Từ những kinh nghiệm triển khai Chương trình GDPT 2018 những năm trước, cán bộ, giáo viên trau dồi, học hỏi hơn nữa để tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học này. Các giải pháp, phương pháp dạy và học sẽ được từng tổ chuyên môn, cán bộ, giáo viên nghiên cứu, thảo luận để đúc rút, áp dụng hiệu quả. Trường quan tâm nâng cao chất lượng học sinh cuối cấp để các em có tiền đề tốt nhất lên THCS. Cuối năm sẽ thực hiện tổng kết, đánh giá chương trình lớp 5, chương trình GDPT mới 5 năm qua.

Chỉ đạo trong các cuộc họp, hội nghị chuẩn bị cho năm học mới, ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh: “Năm học này, tỉnh ta tập trung nâng cao chất lượng GDPT gắn với đổi mới toàn diện giáo dục mạnh mẽ hơn. Ngành sẽ triển khai thực hiện việc khảo sát đánh giá chất lượng đầu năm học với tất cả các khối lớp; đánh giá kết quả thực chất cuối năm học, chất lượng đầu ra, chuyển cấp; và có thể thực hiện xếp hạng trường trong toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, giao nhiệm vụ và gắn trách nhiệm của nhà trường, hiệu trưởng, giáo viên trong nâng cao chất lượng giáo dục tại cơ sở”.

Các trường trong toàn tỉnh bước vào năm học mới với khí thế và quyết tâm cao. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Hoàng Công Chất (huyện Điện Biên) tưng bừng tựu trường.

Cùng với đó tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp đổi mới phương pháp dạy học, đẩy mạnh nâng cao chất lượng GDPT đại trà và mũi nhọn. Bằng việc lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với môn học, nội dung bài học; sắp xếp, bố trí thời gian cho học sinh khai thác sử dụng sách giáo khoa, thực hành, thí nghiệm để tiếp nhận và vận dụng kiến thức hiệu quả. Đa dạng các hình thức tổ chức dạy học, khuyến khích các hình thức dạy học nhằm thúc đẩy hứng thú học tập của học sinh. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng; dự kiến tổ chức sinh hoạt chuyên đề theo môn học với phạm vi rộng, để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo...

Ngành hướng các cơ sở giáo dục thực hiện khảo sát, tư vấn và lập danh sách học sinh theo năng lực, nguyện vọng và nhu cầu học tập, định hướng nghề nghiệp. Từ đó xây dựng các nhóm môn học theo năng lực của học sinh và tổ chức xếp lớp. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo quy định của Bộ. Lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp với phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra bám sát yêu cầu cần đạt của bộ môn, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình....

Với các nhiệm vụ, giải pháp ấy, năm học 2024 - 2025 được kỳ vọng sẽ làm thay đổi mạnh mẽ, thúc đẩy chất lượng giáo dục tỉnh không ngừng đi lên.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top