Lặng thầm cô giáo “cắm bản”

08:48 - Thứ Năm, 12/09/2024 Lượt xem: 5595 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây chất lượng giáo dục của xã vùng cao Nặm Lịch (huyện Mường Ảng) không ngừng được tăng lên, tỷ lệ phổ cập giáo dục ngày càng cao. Có được những thành tựu đó, là những đóng góp to lớn, thầm lặng của đội ngũ các giáo viên “cắm bản”. Vượt qua mọi khó khăn, với lòng yêu nghề, các cô giáo gạt sang bên hạnh phúc riêng; trèo đèo, lội suối, bám bản, bám lớp miệt mài gắn bó với công việc gieo chữ vùng cao. Góp phần ươm những mầm xanh cho quê hương, đất nước. 

Đường đến Điểm trường mầm non Thẳm Phẩng, xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng.

Đường lên xã vùng cao đã vất vả, nhưng gian nan hơn gấp bội lần là hành trình của các cô giáo “cắm bản” từ trường trung tâm về với các điểm bản. Hành trang đến với học sinh vùng khó của các cô giáo “cắm bản” cũng khác với các cô giáo vùng đồng bằng, khu vực thị trấn. Ngoài giáo án, sách vở, phấn, mực còn có thực phẩm, đồ khô đủ dùng trong 1 đến 2 tuần như: Gạo, lạc, cá khô... Và vật bất ly thân là một đôi ủng và bộ quần áo mưa.

Để đến Điểm trường mầm non Thẳm Phẩng, xã Năm Lịch phải qua nhiều đoạn đường dốc dựng ngược. Xe máy phải cài số 1, tiếng máy “gầm” vang cả rừng, kết hợp với 2 chân của người lái “chèo” 2 bên mà xe như muốn quay ngang không chịu lên dốc, phải có người hỗ trợ đẩy từ phía sau. Có đoạn đường bị sạt lở chỉ còn đủ 1 chiếc xe máy lách qua. Đến đoạn đường qua bản Thẳm Hóng, mưa lũ cắt đôi đường, người dân 2 bản Thẳm Hóng, Thẳm Phẩng phải cùng nhau lên rừng chặt tre làm cầu tạm để qua lại và kịp thời gian cho học sinh tựu trường.

Khi chúng tôi vừa đến, đang băn khoăn không biết làm sao để qua được vì đường bị chia cắt mà cầu tạm chưa xong, thì từ trong đám thanh niên trẻ đang làm cầu tre có tiếng cất lên “Các cô giáo chịu khó đi bộ qua còn xe máy để chúng tôi khiêng qua cho”. Chỉ với quãng đường gần 15km nhưng phải mất gần 2 giờ đánh vật trên “con ngựa sắt” chúng tôi mới tới được điểm trường Thẳm Phẩng.

Người dân 2 bản Thẳm Hóng, Thẳm Phẩng (xã Nặm Lịch) làm cầu tạm để qua lại và kịp cho học sinh khai giảng năm học mới.

Tuy mưa gió dài ngày nhưng điểm trường Thẳm Phẩng đã được quét dọn sạch sẽ sẵn sàng cho học sinh tựu trường.

Cô giáo Lò Thị Thơm, giáo viên “cắm” tại điểm trường Thẳm Phẩng tâm sự: Do điều kiện đặc thù vùng cao nên từ đầu tháng 8 những giáo viên cắm bản như chúng tôi đã phải lên bản dọn dẹp lớp học, làm công tác tuyển sinh, nắm bắt tình hình lớp, vận động học sinh ra lớp trong ngày tựu trường. Điểm trường nằm ngay dưới chân đồi, mùa mưa hay bị đất trôi vào sân, như năm nay đất tràn vào sân ngập qua đầu gối, chúng tôi phải huy động phụ huynh học sinh, người dân trong bản đến hót đất, rửa dọn lớp học để các em học sinh được tựu trường, khai giảng đúng ngày.  Việc vận động học sinh đến lớp cũng gặp không ít khó khăn do địa bàn rộng, dân cư ở không tập trung, giao thông đi lại khó khăn; các em theo bố mẹ đi làm nương xa, giáo viên phải lên nương vận động các em trở lại lớp.

Là giáo viên “cắm bản” tại điểm trường Pá Khôm, Trường Mầm non Nặm Lịch, cô giáo Lò Thị Nhân chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở huyện Điện Biên, sau khi ra trường, tôi xung phong lên vùng cao dạy học, vượt khó khăn lên đây bám bản đã mười năm có lẻ; vui có, buồn có, nhọc nhằn vất vả cũng có. Điều khiến tôi vẫn gắn bó với học sinh vùng cao đến giờ này chính là tình yêu thương đối với trẻ. Các em học sinh ở đây 100% là người Mông, ít được giao tiếp với bên ngoài, nên tiếng phổ thông còn hạn chế. Giáo viên chúng tôi phải cố gắng học thêm tiếng địa phương để có thể truyền đạt kiến thức đến các em hiệu quả hơn.

Giáo viên, phụ huynh học sinh, người dân bản Thẳm Phẩng vệ sinh lớp học chuẩn bị cho năm học mới.

Cô giáo Trịnh Thị Hậu, Hiệu trưởng Trường mầm non Nặm Lịch cho biết: Công việc đầu tiên trước ngày khai giảng, đối với các trường học ở vùng cao là ổn định chỗ ăn ở, ổn định về cơ sở vật chất. Tỉ lệ học sinh ở bán trú khá lớn nên việc ổn định chỗ ăn ở ngay những ngày đầu giúp học trò yên tâm ở lại trường học tập.

Năm học 2024 - 2025, Trường mầm non Nặm Lịch có 12 lớp, 218 học sinh với tổng số 26 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nhà trường có 7 điểm trường; trong đó có 3 điểm trường khó khăn (Thẳm Phẩng, Thẩm Hóng, Pá Khôm) vẫn là đường đất việc đi lại rất khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa.

Song, khắc phục mọi khó khăn bằng lòng nhiệt huyết, yêu nghề đến thời điểm hiện tại các điểm trường đã được chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới, tỷ lệ huy động học sinh 3 - 5 tuổi ra lớp đạt 100% kế hoạch giao.

Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top