Trường đại học phải công khai phương thức xét tuyển

08:29 - Thứ Năm, 31/10/2024 Lượt xem: 3078 In bài viết

Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi so với năm 2024 trở về trước.

Trường đại học phải công khai phương thức tuyển sinh. Ảnh: CTV

Mỗi học sinh chỉ phải thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn, 2 môn thi còn lại do học sinh lựa chọn trong số các môn được học ở lớp 12. Điều đó dự báo kéo theo những điều chỉnh trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non từ năm 2025.

Để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non từ năm 2025, thời điểm này, một số cơ sở giáo dục đại học đã rục rịch công bố dự kiến phương án tuyển sinh, bao gồm chỉ tiêu, phương thức, đối tượng cũng như yêu cầu cụ thể của các ngành nghề... Ghi nhận chung từ các trường cho thấy, về cơ bản các trường vẫn sử dụng các phương thức tuyển sinh như đã áp dụng trong năm 2024 như xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy; kết hợp nhiều hình thức xét tuyển...

Có một điểm mới đáng chú ý, đến thời điểm này, đã có một số cơ sở giáo dục đại học thông báo dự kiến về việc mở thêm ngành học mới từ năm 2025. Trường Đại học Thương mại dự kiến mở 7 chương trình mới, mỗi chương trình tuyển 80 - 100 sinh viên chính quy. Trường sẽ sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, ưu tiên học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam thông báo có thêm 7 chương trình đào tạo bậc cử nhân và thạc sĩ. Các chương trình này bắt đầu đào tạo từ năm 2025... Việc bổ sung thêm các ngành đào tạo mới giúp thí sinh có thêm cơ hội học tập, thêm lựa chọn đa dạng, tuy nhiên cũng đặt ra yêu cầu về quản lý.

Liên quan đến quy định mở ngành mới, nhằm bảo đảm quyền lợi cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học thực hiện nghiêm túc các quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Theo đó, quy định ngành đào tạo đã được mở sẽ hết hiệu lực nếu trong 3 năm liên tiếp (đối với đào tạo đại học) hoặc 5 năm liên tiếp (đối với đào tạo thạc sĩ hoặc tiến sĩ), cơ sở đào tạo không tổ chức hoặc không tuyển sinh được. Để tiếp tục đào tạo ngành này, cơ sở đào tạo phải tuân thủ lại các quy định và thủ tục mở ngành như được quy định trong Thông tư này và các quy định pháp luật liên quan.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý, khi mở ngành mới, cơ sở giáo dục đại học phải xác định những ngành đó có phù hợp với xu hướng, nhu cầu của xã hội hay không. Các trường phải có đủ năng lực để bảo đảm chất lượng đào tạo; đồng thời, phải công khai, minh bạch mọi dữ liệu tuyển sinh để thí sinh lựa chọn. Các nội dung cần công khai gồm đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình, các phương thức xét tuyển...

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top