Giai đoạn 2025-2030, giữ ổn định phương thức thi tốt nghiệp THPT trên giấy

14:44 - Thứ Năm, 31/10/2024 Lượt xem: 3706 In bài viết

Ngày 31-10, tại Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 và chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng thông tin tại hội nghị. Ảnh Nghiêm Ý.

Mở đầu hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, công tác tổ chức các kỳ thi nói chung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Từ năm 2024 trở về trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT triển khai theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Đặc biệt, năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tổng kết công tác tổ chức kỳ thi trong những năm qua, để nghiêm túc rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả tổ chức, tạo niềm tin cho dư luận xã hội, ông Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các địa phương tập trung 5 nội dung chính gồm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ các cấp; chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực; quá trình tổ chức triển khai kỳ thi; công tác phối hợp giữa ngành giáo dục và đào tạo với các lực lượng ngoài ngành giáo dục; đặc biệt là công tác truyền thông đến mọi người dân và cho học sinh, giáo viên được biết.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) chia sẻ thông tin tại hội nghị. Ảnh: Nghiêm Ý

Tương tự, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) thông tin, giai đoạn 2020-2024, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức chung đề, chung đợt, kết quả thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng dạy học, đồng thời cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh. Bộ GD-ĐT phân cấp trách nhiệm cho các địa phương, nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của địa phương trong công tác tổ chức.

Tuy nhiên, việc tổ chức kỳ thi còn nhiều hạn chế, như kết quả thi giữa các năm chưa đồng đều do nhiều nguyên nhân; công tác xây dựng ngân hàng đề thi còn gặp nhiều khó khăn; cơ sở giáo dục đại học sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm, dành ít chỉ tiêu với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT dẫn đến việc thí sinh được điểm cao vẫn không có cơ hội trúng tuyển.

Ngoài ra, quy chế thi tốt nghiệp còn phải điều chỉnh hằng năm do bổ sung các nội dung về kỹ thuật, gây áp lực đối với thời gian ban hành văn bản, trong khi địa phương phải chờ ban hành văn bản mới…

Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, mục đích tổ chức, đối tượng dự thi, hình thức thi, thời gian tổ chức thi tương tự như giai đoạn 2020-2024. Nội dung thi bám sát Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là lớp 12. Hình thức thi gồm: Môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Về lựa chọn môn thi, mỗi thí sinh thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là ngữ văn, toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (ngoại ngữ, lịch sử, vật lí, hóa học, sinh học, địa lí, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ nông nghiệp, công nghệ công nghiệp).

Thí sự thi năm 2024 tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nghiêm Ý.

Thời gian tổ chức thi được Bộ GD-ĐT quy định phù hợp với kế hoạch thời gian năm học để bảo đảm thống nhất trong cả nước. Còn về phương thức xét công nhận tốt nghiệp: Kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Về phân cấp, phân quyền tổ chức thi: Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng thư viện/ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các địa phương chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo lịch thi chung của Bộ.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, lộ trình triển khai thực hiện như sau: Giai đoạn 2025-2030, hình thức thi giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của kỳ thi. Giai đoạn sau 2030, từng bước thí điểm thi trên máy tính tại các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Phấn đấu đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính, Bộ sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top