Một số trường đại học lớn bỏ xét tuyển bằng học bạ

09:11 - Thứ Hai, 04/11/2024 Lượt xem: 1970 In bài viết

Năm 2025, một số trường đại học lớn dự kiến không xét tuyển bằng điểm học bạ hoặc giảm chỉ tiêu xét tuyển học bạ. Đây cũng là năm mà lứa học sinh đầu tiên hoàn thành lớp 12 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Một số trường đại học sẽ bỏ xét tuyển bằng học bạ hoặc giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ - Ảnh minh họa

Tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, trước đây trường sử dụng điểm học bạ để xét tuyển như một phương thức độc lập (10% chỉ tiêu) hoặc kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt (30 - 40% chỉ tiêu). Tuy nhiên từ năm 2025, trường dự kiến không sử dụng kết quả học bạ ở cả hai phương thức này bởi theo lý giải của lãnh đạo nhà trường, lứa thí sinh năm tới học theo chương trình mới, mỗi em lựa chọn và có điểm học bạ ở những tổ hợp khác nhau.

Theo đó, nhà trường dự kiến sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt làm phương thức tuyển sinh độc lập và là một trong các phương thức tuyển sinh chủ đạo trong năm 2025. Thí sinh cần thi ít nhất 2 môn theo tổ hợp do trường quy định ở từng ngành, trong đó có một môn chính. Điểm xét tuyển là tổng điểm môn chính nhân hệ số hai cộng với điểm môn còn lại. Phương thức này dự kiến sẽ áp dụng để tuyển sinh cho 30 ngành đào tạo với khoảng 40 - 50% chỉ tiêu, tùy ngành. Cùng với đó, trường sử dụng các phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025; ưu tiên xét tuyển học sinh chuyên và tuyển thẳng.

Năm 2025, Trường Đại học Công Thương TPHCM dự kiến giảm chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ từ 30% còn 15 - 20% tổng chỉ tiêu.

Còn Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024, gồm: Xét tuyển thẳng (2%); xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (15%, giảm 3% so với năm 2024).

Từ năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ. Lý do nhà trường đưa ra là bởi qua nhiều năm, trường nhận thấy hầu hết học sinh giỏi ở các trường chuyên (nhóm đủ điều kiện xét tuyển bằng học bạ vào trường) đều có đủ điều kiện xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế hoặc điểm thi riêng. Vì vậy, bỏ xét học bạ sẽ làm giảm tỉ lệ "ảo" do một thí sinh có thể dùng nhiều phương thức.

Đối với Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2025, nhà trường cho biết vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển tài năng; xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhiều năm nay, trường này không xét tuyển riêng bằng kết quả học bạ.

Từ năm 2025, Đại học Quốc gia TPHCM cũng dự kiến bỏ 2 cách xét tuyển gồm ưu tiên xét tuyển và các phương thức riêng của trường thành viên, thống nhất chỉ còn 3 phương thức tuyển sinh. Trước đó, phương thức ưu tiên xét tuyển được áp dụng với học sinh của 149 trường THPT trong cả nước, thường dựa vào điểm học bạ và giải thưởng.

Trước đó, tại Hội nghị Giáo dục đại học hồi tháng 8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này. Các em học sinh trúng tuyển sớm sẽ không học nữa, điều đó rất tai hại. Ngoài ra, việc này khiến số chỉ tiêu còn lại ít, điểm lên rất cao, tạo ra sự mất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt.

Bộ trưởng nhấn mạnh, các trường tự chủ cao trong tuyển sinh nhưng phải trong khuôn khổ các quy định. Vì vậy, thời gian tới, có thể Bộ GD&ĐT sẽ phải điều tiết.

Theo chinhphu.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top