Nhiều thay đổi trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh: Thuận lợi hơn cho các trường đại học

15:12 - Thứ Tư, 06/11/2024 Lượt xem: 2661 In bài viết

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến cho dự thảo mới về xác định chỉ tiêu trình độ cao đẳng sư phạm mầm non, trình độ đại học và sau đại học (gọi tắt là Dự thảo) để thay thế cho thông tư hiện hành. Dự thảo có nhiều điểm mới, như chỉ tiêu tuyển sinh được xác định và thực hiện cho từng năm, theo từng ngành, nhóm ngành, trình độ, hình thức đào tạo tại trụ sở chính và từng phân hiệu... nhằm tạo thuận lợi hơn cho các trường và bám sát quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học bắt đầu áp dụng từ năm 2025.

Nhiều thay đổi

Theo Dự thảo, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định và thực hiện bảo đảm quy mô đào tạo cuối năm tuyển sinh (dự kiến và thực tế) phải đáp ứng các tiêu chí: tỷ lệ diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên tổng số người học chính quy quy đổi tại trụ sở chính và từng phân hiệu không nhỏ hơn 2,8m2; tỷ lệ người học quy đổi trên giảng viên toàn thời gian đối với từng nhóm ngành và từng ngành (trong trường hợp phải xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành) của cơ sở đào tạo không lớn hơn 40; đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ, cơ sở vật chất, công nghệ và học liệu đáp ứng quy định của chuẩn chương trình đào tạo áp dụng cho ngành, nhóm ngành và trình độ đào tạo tương ứng...

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024

Trong khi đó, quy định hiện hành dựa vào 2 tiêu chí quan trọng là diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo, đội ngũ giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng và tỷ lệ sinh viên quy đổi trên giảng viên.

Theo đánh giá của các trường đại học, Dự thảo đã được xây dựng theo cách tiếp cận mới từ Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22-6-2021 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học và Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT ngày 5-2-2024 về chuẩn cơ sở giáo dục đại học (Thông tư 01). Trong đó có một số điểm mới nổi bật.

Cụ thể, để nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo, yêu cầu các cơ sở đào tạo phải xác định chỉ tiêu riêng đến từng phân hiệu và trụ sở đào tạo chính; điều chỉnh quy định về các tiêu chí xác định chỉ tiêu để thống nhất với quy định tại Thông tư 01, khi chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo người học quy đổi đối với tất cả các trình độ/hình thức đào tạo trên năng lực đào tạo tối đa của giảng viên (40 sinh viên/1 giảng viên) và diện tích xây dựng phục vụ đào tạo 2,8m2/sinh viên (thông tư xác định chỉ tiêu hiện hành chưa xác định trên năng lực đào tạo tối đa của giảng viên mà đang tính chỉ tiêu riêng theo từng trình độ/lĩnh vực/hình thức đào tạo). Đồng thời, xác định chỉ tiêu theo năng lực đào tạo của từng nhóm ngành đào tạo (hiện nay mới xác định theo lĩnh vực đào tạo).

Đối với trình độ đại học, thì ngoài các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên phải xác định theo từng ngành, Dự thảo bổ sung nhóm Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa Việt Nam; Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa nước ngoài (thông tư hiện hành chỉ yêu cầu đối với các ngành đào tạo giáo viên). Việc điều chỉnh này nhằm đảm bảo việc bố trí đội ngũ giảng viên tham gia xác định chỉ tiêu có chuyên môn phù hợp, gắn sát hơn với ngành đào tạo.

Các trường tuyển sinh “dễ thở”

Theo TS Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương TPHCM, hiện nay nếu các trường tuyển vượt 3% chỉ tiêu (kể cả tổng chỉ tiêu không đạt nhưng có ngành tuyển vượt 3%) vẫn vi phạm và bị xử phạt, dẫn đến việc triển khai tổ chức xét tuyển tại các cơ sở đào tạo rất khó khăn. Do đó, Dự thảo đã điều chỉnh, bổ sung một số quy định để đơn giản hóa quy trình, biểu mẫu xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh nhằm tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo chủ động hơn trong công tác tuyển sinh, từ việc xác định, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh đến việc báo cáo kết quả thực hiện chỉ tiêu.

ThS Hứa Minh Tuấn, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing TPHCM, cho rằng, Dự thảo cũng bỏ một số quy định hiện hành, trong đó có quy định hạn chế việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học đối với các trường hợp có tỷ lệ thực tuyển thấp hơn 70% (thực tế có nhiều ngành nghề hiện nay nhu cầu xã hội rất cao, như các ngành thuộc lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, kỹ thuật - công nghệ, văn hóa nghệ thuật… nhưng kết quả tuyển sinh chưa cao do không hấp dẫn người học).

Mặt khác, để khuyến khích cơ sở đào tạo tăng cường công tác truyền thông tư vấn hướng nghiệp cho thí sinh, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo ngay từ năm đầu tiên (không phải chỉ đào tạo chuyên ngành), Dự thảo đã bổ sung quy định hạn chế việc tăng chỉ tiêu đại học đối với trường hợp có tỷ lệ sinh viên thôi học năm đầu cao hơn 15%. Điểm “dễ thở” nữa cho các cơ sở đào tạo là cho phép các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh phù hợp với chỉ tiêu đã công bố, bảo đảm số lượng thực tuyển của từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo không được vượt quá 20% chỉ tiêu đã công bố…

* TS NGUYỄN TRUNG NHÂNTrưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM: Phù hợp với điều kiện thực tế của trường

Nghị định 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 22-1-2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Tại mục 3, Điều 10 quy định phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ đại học vượt từ 3% trở lên. Cùng với đó là buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu.

Trong khi đó, tại mục 3, Điều 3 của Dự thảo xác định chỉ tiêu trình độ cao đẳng sư phạm mầm non, trình độ đại học và sau đại học lại cho phép cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh phù hợp với chỉ tiêu đã công bố, bảo đảm số lượng thực tuyển của từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo không được vượt quá 20% chỉ tiêu đã công bố. Tại Thông tư 03/2022 của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 18-1-2022 về xác định chỉ tiêu tuyển sinh lại không quy định mức tuyển vượt này.

Cùng với đó, việc quy định tiêu chí xác định chỉ tiêu từ 20-25 sinh viên/giảng viên tăng lên thành 40 sinh viên/giảng viên (không tính giảng viên thỉnh giảng) là phù hợp với tình hình thực tế nhằm giúp các trường tăng tỷ lệ giảng viên cơ hữu. Nhìn chung, những tiêu chí mới trong Dự thảo của Bộ GD-ĐT là phù hợp với điều kiện thực tế của các cơ sở đào tạo và thuận lợi cho các trường trong vấn đề tuyển sinh.

TS NGUYỄN QUỐC ANH, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TPHCM: Buộc các trường nâng cao chất lượng đào tạo

Dự thảo lần này sẽ có những tác động tích cực nhất định, làm cơ sở để các trường đại học nâng cao hiệu quả đào tạo thông qua việc cải tiến chất lượng giảng dạy, chương trình đào tạo, chú trọng đến việc nâng cao trình độ của sinh viên đáp ứng nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp. Hiệu quả đào tạo của ngành học sẽ được thể hiện qua số lượng sinh viên theo học ở mức đảm bảo, tỷ lệ sinh viên nghỉ học hoặc chuyển ngành ở mức thấp, tương đối cũng như tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt mức cao, đảm bảo duy trì.

Tuy nhiên, khi các chỉ số trên ở mức chưa hợp lý, chưa đảm bảo (chẳng hạn tỷ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15% hay tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70%) thì rất cần có sự xem xét lại. Điều này có thể xuất phát từ một số hạn chế nhất định, như hoạt động đào tạo chưa đạt kết quả cao như mong đợi, hoặc nhu cầu nhân lực của xã hội đã có sự thay đổi… Chính vì vậy, việc rà soát (kể cả hoạt động đào tạo cũng như xác định chỉ tiêu tuyển sinh của ngành/nhóm ngành) là rất cần thiết để đảm bảo cho cả cơ sở đào tạo và người học.

* TS DƯƠNG TÔN THÁI DƯƠNG, Phó Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia TPHCM: Điều kiện xác định chỉ tiêu khá cụ thể

Hiện nay, Đại học Quốc gia TPHCM đã triển khai Dự thảo và lấy ý kiến về những thay đổi ở các tiêu chí, điều kiện tuyển sinh. Sau đó, đơn vị chuyên môn của Đại học Quốc gia TPHCM sẽ tổng hợp những ý kiến thành văn bản gửi về Bộ GD-ĐT. Nhìn chung, những thay đổi về điều kiện xác định chỉ tiêu của Dự thảo lần này được các trường rất quan tâm, như đội ngũ giảng viên, tỷ lệ sinh viên quy đổi trên giảng viên cơ hữu, những ngành nghề đặc thù và điều kiện nào cho phép các trường tuyển thêm chỉ tiêu...

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top