Gieo chữ ở Tìa Dình

08:18 - Thứ Tư, 20/11/2024 Lượt xem: 1404 In bài viết

ĐBP - “Không phải là lương cao hay vị trí chức vụ, vị thế của nhà giáo ở đây được đo bằng lòng dân. Dân tin, dân yêu thì mọi nhiệm vụ đều sẽ hoàn thành” -  thầy giáo Lò Văn Bình, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông chia sẻ.

Thầy giáo Lò Văn Hiệp hướng dẫn học sinh lớp 1 đánh vần, đọc chữ.

Do cách trở giao thông, dân cư phân tán nên Tìa Dình “sở hữu” nhiều cái nhất huyện: Nghèo nhất, xa nhất, đường đi khó khăn nhất, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia thấp nhất. Theo thầy Bình chia sẻ, 100% giáo viên nhà trường đều ở lại địa bàn, cùng ăn, ở, sinh hoạt thiếu thốn như bà con. Nhiều thầy cô còn mua đất, dựng nhà, nhập khẩu, cho con học tại chỗ và chính thức trở thành dân bản. Trong mắt bà con thì thầy cô là những công dân đặc biệt. Không chỉ đơn giản là đưa đón trẻ đến lớp, dạy chúng cái chữ mà giáo viên còn chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, rèn nền nếp, kỹ năng sống. Phụ huynh giao con cho thầy cô rồi đi làm nương cả ngày. Chính vì thế nên trong nhà, trong bản có việc bà con đều mời thầy cô tham dự.

Sinh ra, lớn lên học tập rồi lại trở về địa phương công tác nên thầy giáo Vàng A Dà hiểu hơn ai hết sự đặc biệt này. Thầy Dà kể, sau khi tốt nghiệp THPT, người trong bản khuyên ngăn nên ở nhà, đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thế nhưng, cứ nghĩ ở nhà rồi lại “bán mặt” cho mảnh nương cả đời. Không chỉ khổ bố mẹ mà cả vợ con sau này cũng không khấm khá hơn được, nên thầy quyết định học ngành Sư phạm. Tốt nghiệp ra trường, thầy Dà trở về quê hương làm giáo viên trong niềm tự hào của gia đình và bà con dân bản.

Đứng trên bục giảng ngay tại quê nhà, dạy những đứa trẻ là con em địa phương, thầy Dà cảm nhận rõ niềm tin yêu của bà con đối với mình. Nhiều gia đình khi có việc quan trọng thường tìm thầy tâm sự và xin ý kiến đóng góp. Đặc biệt, mỗi năm trôi qua, số học sinh mạnh dạn nói lên ước mơ về nghề nghiệp ngày một nhiều hơn, trong đó có nghề giáo.

Thầy Dà chia sẻ: “Năm học vừa qua, lớp tôi chủ nhiệm cũng có một học sinh nữ ban đầu rất rụt rè, không tiếp xúc với người lạ. Nhưng sau một thời gian thì cởi mở dần, hăng hái trong học tập. Cuối năm, khi có kết quả khá, em mới tâm sự rằng lớn lên muốn đi dạy học như thầy Dà. Chưa biết chặng đường sau sẽ thế nào, nhưng chí ít thì tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vì có thể làm động lực, mục tiêu phấn đấu cho học sinh”.

Là người bản địa với nhiều thuận lợi, song theo thầy Dà không phải tự nhiên mà có được tình cảm quý mến và sự coi trọng của học sinh, phụ huynh như vậy. Trước đây, việc vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số hay tỷ lệ chuyên cần luôn là nỗi lo với mỗi giáo viên. Vì phụ huynh chưa hiểu hết được giá trị của việc học, những quyền lợi khi trẻ đến trường mà chỉ nghĩ con đi học thì sẽ mất nguồn lao động, trông em. Mỗi lần thầy cô đến, họ đều tìm lý do để từ chối hoặc không tiếp. Thế nhưng, thầy Dà đã lấy mình ra làm tấm gương người thật việc thật để giải thích cho bà con.

Tương tự, theo thầy giáo Lò Văn Hiệp mỗi thầy cô trong trường đều được quán triệt quan điểm nêu gương trong cả dạy học và cuộc sống. Thầy Hiệp là Bí thư đoàn trường, là người “nổi tiếng” với các thế hệ học sinh thông qua những tiết học thoải mái. Bởi theo thầy Hiệp, tâm lý có vai trò quan trọng quyết định việc các em có chủ động tiếp cận kiến thức hay không. Vì thế, điều đầu tiên tôi làm mỗi khi lên lớp, tiếp xúc với học sinh là cười thật tươi; mọi sự e dè, mặc cảm sẽ được xóa bỏ để các em tự tin bước vào giờ học.

Cũng theo thầy Hiệp, mặc dù còn nhiều khó khăn, song hiện nay công nghệ thông tin đã bắt đầu phát triển ở địa bàn. Học sinh có nhiều điều kiện, cơ hội tiếp cận thông tin, kiến thức từ nhiều nguồn, nhất là internet, trong đó có cả thông tin xấu, độc. Do vậy, mỗi thầy cô trước tiên phải tự học, nắm bắt thành thạo để đưa ra những định hướng, giúp học sinh biết được đúng sai, tránh những tác động tiêu cực từ công nghệ.

Năm học 2024 - 2025, Trường PTDTBT Tiểu học Tìa Dình có 531 học sinh. Trước đây trường có 7 điểm bản, phải bố trí giáo viên cắm bản để thuận lợi cho việc giảng dạy. Từ năm học này, trường đã được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, nên tất cả học sinh về trường trung tâm học. Với 415 học sinh ở nội trú, nhiều em phải xa gia đình khi còn nhỏ, vì vậy thầy cô giáo không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là những người thân luôn sát cánh, giúp các em rèn luyện kỹ năng sống và học cách tự lập.

“Học sinh những ngày đầu về trường đều chưa biết nền nếp ăn ở, sinh hoạt tập thể. Nhất là các em lớp 1 còn nhút nhát, ngại tiếp xúc người lạ. Bởi vậy, ngoài giờ lên lớp, thầy cô đều kín lịch tại các phòng nội trú. Đặc biệt là thời gian đầu, giáo viên phải làm mẫu, hướng dẫn tỉ mỉ để các em quan sát, nhận biết và làm theo” - thầy Lò Văn Bình chia sẻ.

Ông Giàng A Thái, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình nhận xét: Chúng tôi đánh giá rất cao các thầy cô trong trường - những người đã, đang khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm bám trụ địa bàn để làm tốt công tác giáo dục tại địa phương. Mỗi năm nhà trường đều huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, với tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học tại chỗ đạt trên 95% trở lên.

Bài, ảnh: Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top