Y tếHỏi đáp về dịch covid-19

Vì sao phải tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 4?

06:27 - Thứ Ba, 28/06/2022 Lượt xem: 4459 In bài viết

Tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức vào chiều 27-6, ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, các nghiên cứu trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đều chỉ ra rằng, kháng thể kháng vi rút SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau đó, đặc biệt là kháng thể kháng biến chủng Omicron. Do vậy, việc tiêm mũi 4 là để duy trì bền vững, hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19.

Quận Hai Bà Trưng triển khai tiêm mũi 4 vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.

Kháng thể kháng vi rút SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm

Tại Việt Nam, Hệ thống quản lý điều trị Covid-19 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) ghi nhận, trong số 32.212 trường hợp tử vong do Covid-19, có tới 52,8% số ca tử vong là chưa tiêm vắc xin; 29,8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi. Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản.

Theo ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), các nghiên cứu trên thế giới, trong đó có nghiên cứu của Việt Nam, cũng chỉ ra rằng, kháng thể kháng vi rút SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm, nhất là kháng thể kháng biến chủng Omicron. Do vậy, việc tiêm mũi 4 đặc biệt hữu ích đối với người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19, như: Cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu: Lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp.

Đề cập về khả năng bảo vệ của vắc xin phòng Covid-19 khi chỉ tiêm liều cơ bản, theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của liều cơ bản giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa vi rút ở mức cao hơn so với các biến chủng trước đây. Do vậy, những người đã tiêm mũi cơ bản, nếu không tiêm mũi nhắc lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Nhiều người dân tại Hà Nội đăng ký tiêm mũi 4 vắc xin phòng Covid-19.

Nỗ lực đẩy mạnh tiến độ tiêm mũi 3, mũi 4

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Việt Nam là một trong những quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng cơ bản cao. Nhờ đó, đã góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, nhất là giúp giảm rõ rệt ca mắc bệnh, nhập viện, nặng và tử vong. Tuy nhiên, hiện nay, đã xuất hiện tâm lý chủ quan, từ chối không tiêm mũi vắc xin nhắc lại tại nhiều địa phương. 

“Ngành Y tế đã và đang rất nỗ lực để đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng mũi 3, mũi 4. Người dân có thể tiếp cận vắc xin ở các điểm tiêm chủng tại trạm y tế, các điểm tiêm chủng lưu động tại trường học, nhà máy, thôn, bản… Trong tiêm chủng, Bộ Y tế ưu tiên sử dụng vắc xin có hạn ngắn trước để bảo đảm hiệu quả. Vắc xin phân bổ gần đây nhất có hạn 30-6-2022. Sau khi gia hạn, vắc xin này có hạn dùng tới ngày 30-9-2022. Để đảm bảo lô vắc xin này được sử dụng đúng hạn, cán bộ y tế của các tuyến đã truyền thông, tổ chức tiêm chủng ngày đêm”, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết thêm.

Một tín hiệu đáng mừng, theo PGS.TS Dương Thị Hồng, tốc độ tiêm chủng mũi 3, mũi 4 trong 10 ngày gần đây (từ ngày 17-6 đến 27-6) đã tăng 2,5 lần so với 10 ngày đầu tháng 6-2022, hiện nay đã đạt khoảng 500.000 liều cho các mũi tiêm nhắc lại. 

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Phan Trọng Lân cho rằng, mặc dù số ca mắc và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, tuy nhiên, ở một số khu vực, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới. Hiện nay, nhiều quốc gia đã dỡ bỏ một phần hoặc hoàn toàn các biện pháp phòng, chống dịch nên nguy cơ dịch quay trở lại là hoàn toàn có thể.

Theo kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vắc xin liều cơ bản và bị mắc Covid-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần thứ 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm mũi nhắc lại thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm vi rút.

Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy, những người từng mắc Covid-19, nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng trừ nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%.

Cũng tại cuộc họp, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, sau 4-6 tháng, người dân cần tiêm liều tăng cường, trong đó ưu tiên cho những đối tượng nguy cơ cao.

“Chúng ta không thể coi Covid-19 là bệnh nhẹ, vì ngay cả tiêm vắc xin rồi vẫn mắc bệnh. Trong khi đó, các quốc gia vẫn đang lưu hành các biến thể mới. Các biến thể mới này làm gia tăng số ca mắc trên toàn cầu. Do đó, đây là giai đoạn rất quan trọng để Việt Nam thực hiện tiêm liều tăng cường cho người dân”, chuyên gia WHO khuyến cáo.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top