Giáo dụcKhoa học

Ươm mầm tài năng công nghệ nhí

08:55 - Thứ Ba, 05/09/2023 Lượt xem: 13675 In bài viết

ĐBP - Với mục đích nuôi dưỡng ước mơ, tạo điều kiện để trẻ em có môi trường, cơ hội học tập, nghiên cứu khoa học và mở ra sân chơi thực hành đầy thú vị cho các tài năng công nghệ nhí. Một lớp học bài bản về lập trình lần đầu tiên tại tỉnh Điện Biên được tổ chức đã nhận được hiệu ứng tích cực từ phía trẻ em cũng như các bậc phụ huynh.

Nơi bồi dưỡng năng khiếu

Đam mê các trò chơi công nghệ, rubik từ nhỏ, cậu bé Lò Đức Anh, phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ) không giấu khỏi niềm hứng khởi khi được mẹ đăng ký cho tham gia lớp học về lập trình robot. Thay vì tự mò mẫm tìm hiểu lập trình trên chiếc máy tính cũ của mẹ, giờ đây Đức Anh có thể tiếp cận môi trường học tập bài bản. Khi tham gia khóa học, Đức Anh được trải nghiệm thực tế trên máy tính, lập trình các mã code để điều khiển robot. Trực tiếp cầm những con robot Rover khiến Đức Anh rất thích thú. Sau các tiết học ban đầu, Đức Anh được chia nhóm, mỗi nhóm từ 3 - 5 bạn cùng nhau thảo luận, thực hành trên sa bàn. Mới chỉ qua gần 10 buổi học, Đức Anh đã biết lập trình, chạy thử robot để vượt chướng ngại vật, tiến, lùi vào vị trí cố định.

Chị Nguyễn Vân Anh - mẹ bé Đức Anh cho biết: Trong khi xem mạng xã hội, tôi tình cờ đọc được thông tin về một lớp học lập trình robot đang tuyển sinh. Nghĩ ngay đến cậu con trai với niềm đam mê khoa học, tôi quyết định thông báo cho con về lớp học này. Do trước đây ở tỉnh mình chưa có cơ sở nào tổ chức dạy lập trình nên khi biết sắp được đi học, con trai tôi rất mừng rỡ.

Cùng với Đức Anh, mỗi buổi học tại lớp lập trình có khoảng hơn 10 em nhỏ ở nhiều độ tuổi khác nhau. Khác với những giờ học khô khan theo kiểu thầy đọc trò chép, buổi học của lớp lập trình tràn ngập tiếng trò chuyện hỏi đáp của thầy và trò. Không khí lớp học sôi nổi, hào hứng; trẻ vừa được trang bị kiến thức lập trình từ cơ bản đến nâng cao, thực hành và rèn kỹ năng sử dụng máy tính để thỏa sức sáng tạo.

Ngồi ngay bàn đầu tiên, cậu bé nhỏ nhắn Trần Anh Khôi, phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) thu hút sự chú ý bởi sự chăm chú, tập trung khi lắp ráp robot. Năm nay Khôi mới 6 tuổi, là một trong những học sinh nhỏ tuổi trong lớp. Vừa đặt lại con robot Rover về vị trí, Khôi vừa quay lại máy tính chỉnh sửa câu lệnh trên máy tính. Tuy hơi rụt rè, ít nói nhưng khi được hỏi, Khôi tươi cười khoe: Sau hơn 1 tháng học tại lớp, cháu đã hiểu được cấu tạo, tính năng và tháo, lắp thành thạo từng bộ phận của robot. Cháu cũng bắt đầu tiếp cận và học cách lắp ghép, khớp nối từng câu lệnh trên màn hình máy tính, để điều khiển robot theo ý muốn.

Thầy giáo Đào Xuân Quỳnh, Trường THCS Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) là 1 trong 2 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Với phương pháp học kết hợp tương tác trải nghiệm, học sinh được thầy giáo “cầm tay chỉ việc”. Trên cơ sở nền tảng xây dựng, mỗi em sẽ tiếp tục phát triển theo sáng tạo của bản thân. Thầy Quỳnh cho biết: Thay vì làm các bài lập trình lặp đi lặp lại, chúng tôi dùng trò chơi và mô phỏng thực tế để dạy. Như vậy, các em biết cách sử dụng robot một cách sáng tạo để giải quyết vấn đề và phát triển giải pháp. Đây là hướng tiếp cận mới mà giáo dục Việt Nam đang hướng tới. Từ đó, khơi gợi và phát triển năng khiếu, giúp các em nuôi dưỡng niềm đam mê về lập trình.

Sân chơi trí tuệ mới

Thầy giáo Nguyễn Phú Hoàng, Giám đốc Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ (Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên) cho biết: Những năm gần đây, lập trình robot đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương và trở thành xu hướng tại một số tỉnh, thành. Nhu cầu học tập bộ môn này trong giới trẻ, học sinh, sinh viên cũng bắt đầu mở rộng. Tuy nhiên, tại Điện Biên chưa có môi trường rèn luyện, học tập bài bản. Vì vậy, Trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH Kinh doanh và Dịch vụ Trần Sơn Auto nghiên cứu, tổ chức lớp học này.

Triển khai thực hiện, các đơn vị phối hợp tuyển sinh từ cuối tháng 5. Thông tin về lớp học được đăng tải rộng khắp trên các trang mạng xã hội, trang facebook của Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ và Công ty TNHH Kinh doanh và Dịch vụ Trần Sơn Auto.

Theo ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh và Dịch vụ Trần Sơn Auto, đối với học sinh ở địa bàn vùng khó, việc tham gia những sân chơi này còn hạn chế. Vì vậy, chương trình phối hợp giữa 2 đơn vị không chỉ dừng lại ở các lớp học vừa khai giảng. Mà đây chính là sự khởi đầu cho các dự án tiếp theo, với mục tiêu “phủ sóng” lập trình robot cho các trường học tại địa phương. Trên cơ sở này, công ty sẽ phối hợp cùng ngành Giáo dục tổ chức các sân chơi, thi đấu về lập trình robot để tìm kiếm tài năng. Với mục tiêu đề ra, thời gian qua, Công ty đã đến nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ để giới thiệu, tổ chức các cuộc giao lưu nhỏ. Bước đầu giúp giáo viên, học sinh tiếp cận, làm quen và khơi gợi hứng thú với bộ môn này.

Trên thực tế, làn sóng giáo dục STEM những năm gần đây đã kích thích sự quan tâm đặc biệt của thầy cô và học sinh về robot. Cùng với đó, trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển, trẻ được thụ hưởng cuộc sống hiện đại, nhưng bên cạnh đó lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ trong việc sử dụng điện thoại, chơi game, xem youtube, tiktok… Nhiều trẻ lệ thuộc vào điện thoại, máy tính, ảnh hưởng đến cuộc sống và học tập. Vì vậy, lớp học được mở ra nhằm hướng đến mục tiêu đào tạo tư duy lập trình, trang bị cho trẻ kiến thức công nghệ bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận với môi trường công nghệ hữu ích, rời xa điện thoại, tivi.

Khẳng định về sự phối hợp lâu dài để tổ chức các lớp học lập trình robot, thầy Nguyễn Phú Hoàng, Giám đốc Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ chia sẻ: Những lớp học như thế này không chỉ là sân chơi bổ ích cho trẻ đam mê công nghệ, giúp các em phát triển tư duy lập trình, tư duy logic và tư duy phản biện; rèn luyện kỹ năng giao tiếp, đội nhóm mà còn được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường phát triển tốt nhất những thế hệ học sinh hội nhập mới.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top