Giáo dụcKhoa học

Thầy trò Sam Mứn chế tạo máy vớt rác tự động cho mương nước

09:01 - Thứ Hai, 25/09/2023 Lượt xem: 15624 In bài viết

ĐBP - Là xã cuối kênh Nậm Rốm, hàng ngày địa bàn xã Sam Mứn (huyện Điện Biên) phải nhận nhiều rác thải các loại chảy theo dòng nước đổ về, tràn khắp đồng ruộng, ô nhiễm môi trường. Một đoạn kênh ấy chảy qua cổng Trường Tiểu học và THCS Sam Mứn. Trước thực trạng ấy, thầy và trò Nhà trường lên ý tưởng và bắt tay vào chế tạo “Thiết bị vớt rác tự động từ mương nước”. Thiết bị đã được sử dụng trong thực tế, khẳng định được hiệu quả và đạt giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2023.

Là xã cuối kênh, Sam Mứn bất đắc dĩ nhận lượng rác thải lớn từ các xã đổ về. Chỉ cần chặn dòng kênh một đêm, người dân thu gom vô số rác các loại, bốc mùi hôi thối.

Em Cà Bảo An, thành viên nhóm học sinh chế tạo thiết bị trên, chia sẻ: “Năm học trước, thầy cô và chúng em cùng dọn vệ sinh một đoạn đường ruộng gần trường. Chỉ hơn 1km, trong 1 buổi chiều mà thu được trên 4 tấn rác. Lượng rác này 90% là rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp, thậm chí có cả lợn, gà chết, trôi theo dòng nước từ các xã phía trên tuyến kênh đổ về, đọng lại và chảy vào ruộng đồng. Thường thì người dân vớt rác lên bờ, không có người thu gom, gây ô nhiễm môi trường. Thấy được cảnh đó, em cùng các bạn đã có suy nghĩ làm gì để thu gom rác dễ dàng trước khi rác chảy vào ruộng. Từ đó nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của thầy cô vận dụng kiến thức các môn học vào chế tạo thiết bị vớt rác.

Từ thực tế địa bàn và mong muốn góp sức xử lý vấn đề rác thải, ô nhiễm môi trường, học trường Nhà trường đã nghiên cứu chế tạo ra thiết bị vớt rác.

Sau thời gian tìm tòi, thử nghiệm và cả những khi thất bại, làm đi làm lại, thầy và trò Sam Mứn đã hoàn thiện 1 sản phẩm có khả năng tự động vớt rác trôi nổi từ mương nước lên bờ. Thiết bị là hệ thống băng chuyền bằng lưới sắt mắt nhỏ, cho nước chảy qua còn rác được giữ lại; một đầu được đặt chìm dưới mương nước. Băng chuyền nghiêng 30 – 35 độ, được gắn trên một khung sắt dài 3m, rộng 1m, vừa kín bề ngang kênh thủy lợi tại địa bàn.

Thiết bị vớt rác được “hạ thủy” dòng kênh thủy lợi phía trước Trường.

Thiết bị vận hành bằng 1 mô tơ điện một chiều, sử dụng nguồn điện 12 vôn, khi hoạt động, băng chuyền được quay liên tục để đảm bảo thu gom toàn bộ các loại rác trôi nổi trong lòng mương. Nhờ sức đẩy của dòng nước, rác sẽ được băng chuyền đưa lên và đổ vào xe/thùng chứa rác phía sau. Thiết bị vận hành hoàn toàn tự động thông qua việc sử dụng công tắc hẹn giờ. Cùng với đó, thiết bị hoạt động chủ yếu nhờ năng lượng ánh sáng mặt trời.

Băng chuyền bằng lưới sắt mắt nhỏ, đẩy rác đưa lên trên.

Em Cà Trí Dũng, lớp 9D, thành viên nhóm chế tạo cho biết thêm: “Chúng em được thầy cô hướng dẫn, giúp tìm kiếm tài liệu để vận dụng kiến thức các môn học Vật lý và Công nghệ vào hoàn thiện sản phẩm. Kết quả khi vận hành có thể thu gom được trên 95% rác từ mương nước lên bờ mà không ảnh hưởng gì đến dòng chảy, môi trường nước”.

Rác theo băng chuyền được đẩy xuống vật dụng chứa rác phía sau.

Với hiệu quả thực tế được chứng minh ấy, thầy và trò Nhà trường đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, nâng cao hơn nữa hiệu quả của thiết bị theo “đơn đặt hàng” của UBND xã Sam Mứn. Qua đó kỳ vọng giúp xã xử lý rác thải ở dòng kênh một cách hữu hiệu. Cùng với đó nhóm chuẩn bị tham dự Cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo các tỉnh miền núi phía Bắc do Tỉnh đoàn chọn lựa, cử đi.

Thiết bị vớt được trên 95% rác thải trong dòng nước.

Thầy Bùi Tiến Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sam Mứn - người trực tiếp đồng hành cùng các em, chia sẻ: Khi các em tâm huyết với dự án về thiết bị vớt rác, thầy cô Nhà trường đều rất vui và tạo mọi điều kiện, khích lệ, hỗ trợ các em hiện thực hóa ý tưởng. Chúng tôi luôn giáo dục, hướng các em hành động vì cộng đồng, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Để thiết bị hiệu quả hơn nữa, thầy và trò đang nghiên cứu lắp hệ thống cảm biến nhằm tiết kiệm năng lượng triệt để và có phương án cho các rác thải tròn khó đẩy lên băng chuyền. Cả thầy và trò đều mong muốn thiết bị được biết đến nhiều hơn, lan tỏa rộng rãi để xử lý vấn đề rác thải ở kênh mương, góp phần bảo vệ môi trường và hạn chế ảnh hưởng của rác thải đến quá trình canh tác trên đồng ruộng của

“Thiết bị vớt rác tự động từ mương nước” của học sinh Trường Tiểu học và THCS Sam Mứn  hoạt động.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top