Giáo dụcKhoa học

Cần có hướng đi trọng tâm trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo

17:21 - Thứ Ba, 17/10/2023 Lượt xem: 11605 In bài viết

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang thực hiện một số giải pháp để phân tích, đánh giá các điểm mạnh, điểm yếu trong hoạt động đổi mới sáng tạo để có hướng đi trọng tâm, trọng điểm hơn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách thực chất, bền vững.

Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu

Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2023 - GII) năm 2023. Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022; đồng thời được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Báo cáo GII 2023 cho thấy, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào Đổi mới sáng tạo: Tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57 (đầu vào Đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường; Trình độ phát triển của doanh nghiệp).

Đầu ra Đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40 (đầu ra Đổi mới sáng tạo gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo).

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN. Ảnh: Viettel R&D

Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Quốc gia thu nhập trung bình thấp xếp trên Việt Nam là Ấn Độ với thứ hạng 40. Ngoài ra, có 5 quốc gia có thu nhập trung bình cao xếp trên Việt Nam là Trung Quốc (hạng 12), Malaysia (hạng 36), Bulgari (hạng 38), Thổ Nhĩ Kỳ (hạng 39) và Thái Lan (hạng 43). Còn lại, tất cả các quốc gia xếp trên Việt Nam đều là các nước có nền công nghiệp phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao.

Theo WIPO, Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran). Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam).

Năm 2023, chỉ số GII có một số thay đổi về các chỉ số thành phần, nguồn dữ liệu và cách tính chỉ số thành phần. Trong đó, có chỉ số mới về start-up như "Giá trị của các doanh nghiệp kỳ lân" (Việt Nam được xếp hạng 33).

Chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam xếp hạng 66, không có sự cải thiện so với các năm trước. Tuy nhiên, chi R&D của top 3 doanh nghiệp lớn có sự cải thiện đáng kể, xếp hạng 29, tăng 9 bậc so với năm 2022. Giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm dù còn nhỏ nhưng cũng đã có sự cải thiện lớn so với năm 2022, xếp hạng 60, tăng 17 bậc so với 2022.

Các doanh nghiệp liên tục đầu tư để thực hiện quản lý chất lượng theo ISO, theo đó, chỉ số về giá trị ISO 9001/PPP$GDP đã tăng 15 bậc so với năm 2022, từ vị trí 65 lên 50 năm 2023.

Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ số ở mức thấp. Nhóm chỉ số bền vững sinh thái dù tăng 3 bậc so với năm 2022 nhưng chỉ ở thứ hạng 110. Các vấn đề về thể chế vẫn cần nhiều nỗ lực cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo. Chỉ số Hiệu quả thực thi pháp luật xếp hạng 72, giảm 2 bậc so với năm 2022...

Đổi mới sáng tạo một cách thực chất

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng bộ chỉ số này như một trong các công cụ quản lí điều hành quan trọng và đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương cùng có trách nhiệm cải thiện chỉ số. Trong đó, Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung. Từ năm 2017 đến nay, chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên 42 (năm 2019 và 2020), 44 năm 2021, 48 năm 2022 và 46 năm 2023.

Ở cấp quốc gia, từ năm 2017, Chính phủ đã sử dụng bộ chỉ số GII công bố hằng năm nhằm xác định các điểm mạnh, điểm yếu của quốc gia để đưa ra các giải pháp, biện pháp cải thiện phù hợp, cũng như kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách liên quan nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, trong những năm qua, kết quả chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực. Trong 13 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển.

Các chính sách, pháp luật về KH&CN cần tập trung thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất. 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết: "Chúng ta có những chỉ số cải thiện là nhờ sự đóng góp, sự chung tay của tất cả các bên từ đầu vào đến đầu ra, đồng thời dẫn chứng về chỉ số số ứng dụng di động trong phát triển năng lực công nghệ quốc gia được tạo ra tăng 15,58%, xếp hạng 8. Hay đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa với các đóng góp liên quan đến tác phẩm, sản phẩm sáng tạo, clip được đăng tải, lan tỏa trên mạng xã hội cũng giúp định dạng giá trị về sáng tạo của Việt Nam...Tuy nhiên, hiện nay, công tác thống kê dữ liệu về đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn thiếu, chưa đầy đủ các chỉ số. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo còn một số điểm cần khắc phục.

Đơn cử như trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), ở những quốc gia xếp trên Việt Nam, việc chi cho R&D chiếm tỉ lệ cao trong GDP nhất là Israel tới 5,6%, các nước trung bình xếp trên Việt Nam là khoảng 0,9%, trong khi Việt Nam chưa đạt được đến 0,5%. Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, đây là điểm yếu của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam khi nguồn lực thu hút cho các nhóm nghiên cứu, viện nghiên cứu còn khá khiêm tốn...

Để góp phần nâng thứ hạng của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, Bộ KH&CN đã xây dựng Bộ chỉ số cấp địa phương theo 10 bước như hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam. Ngoài ra, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai bộ chỉ số đánh giá mức độ đổi mới sáng tạo của các ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ: Theo kinh nghiệm của quốc tế, đổi mới sáng tạo không chỉ ở cấp quốc gia, các cấp, ngành, mà còn ở cấp vùng, cấp địa phương, đến từ doanh nghiệp và người dân...Chúng ta cần đánh giá đầy đủ đề có hướng đi trọng tâm hơn trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thay vì hô hào, khẩu hiệu.

GII là một bộ công cụ đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia có uy tín trên thế giới, phản ánh mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo của các quốc gia. Qua đó, các quốc gia thấy được bức tranh tổng thể cũng như các điểm mạnh, điểm yếu của mình. Vì lý do này mà GII hiện được Chính phủ nhiều quốc gia sử dụng như một công cụ tham chiếu quan trọng cho quản lý nhà nước về KHCN và đổi mới sáng tạo, cũng như để xây dựng các chính sách KHCN và đổi mới sáng tạo (Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Columbia, Brazil…).

Theo QĐND
Bình luận
Back To Top