ĐBP - Thời điểm này, nông dân các huyện vùng cao đang khẩn trương gieo cấy lúa đông xuân trà sớm. Đối với những diện tích đồng ruộng sản xuất trà chính vụ, người dân đang tập trung làm đất, nạo vét kênh mương thủy lợi, chuẩn bị các điều kiện để sản xuất vụ đông xuân niên vụ 2021 - 2022.
Vụ đông xuân năm 2021 - 2022, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy 9.670ha, giảm 2,4% so với vụ đông xuân năm 2021. Năm nay, căn cứ vào điều kiện sản xuất cụ thể của từng địa phương để lựa chọn và sử dụng bộ giống lúa thích hợp, song vẫn ưu tiên các giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng ngắn. Trên cơ sở quan trắc, dự báo thời tiết 1 - 2 tháng tới, lịch thời vụ sản xuất trà sớm từ 25/12/2021 - 5/1/2022; trà chính vụ từ 6/1 - 30/1 và trà muộn kết thúc trước 30/2/2022.
Ông Phạm Đình Lai, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện nay, một số xã vùng cao các huyện Nậm Pồ, Tuần Giáo và xã vùng ngoài huyện Điện Biên (Hua Thanh, Thanh Nưa) đã tổ chức gieo cấy lúa đông xuân trà sớm. Đối với các diện tích trà chính vụ, các địa phương đang tích cực chỉ đạo, đôn đốc người dân tập trung làm đất, chuẩn bị đầy đủ vật tư nông nghiệp để sẵn sàng cho vụ sản xuất lúa đông xuân. Năm nay, dự báo thời tiết sẽ rét sớm, khả năng thời điểm sản xuất trà chính sẽ diễn ra rét đậm, rét hại. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người dân vừa đảm bảo tiến độ sản xuất, vừa chống rét tốt cho cây lúa, tránh thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra. Bên cạnh đó, để vụ sản xuất đông xuân hiệu quả, Sở đã thành lập các tổ công tác tiến hành kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị vật tư nông nghiệp như: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Đối với giống lúa, hiện nay, tỉnh ta có bộ giống lúa đa dạng; người dân có thể lựa chọn các giống lúa phù hợp, tuy nhiên cơ cấu giống ưu tiên các giống lúa thuần chất lượng cao, đặc biệt là tại cánh đồng Mường Thanh.
Nậm Pồ là huyện có lịch thời vụ sản xuất vụ đông xuân sớm nhất tỉnh. Từ ngày 15/12, nông dân huyện Nậm Pồ bước vào gieo cấy vụ đông xuân. Năm nay, huyện Nậm Pồ dự kiến gieo cấy 177,86ha lúa; 100% diện tích gieo cấy các giống lúa thuần, chất lượng cao, trong đó nhiều nhất là giống lúa Hòa Phát 3. Đến nay toàn huyện đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa đông xuân.
Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Năm 2021, UBND huyện đã ưu tiên nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa 3 công trình thủy lợi tại các xã: Nà Hỳ, Nà Khoa và Chà Nưa. Đồng thời người dân tập trung khai hoang, phục hóa một số diện tích bãi bồi ven sông, suối. Do đó diện tích gieo cấy lúa đông xuân toàn huyện tăng so với năm 2021. Điểm đặc biệt ở huyện Nậm Pồ là người dân không có nhu cầu sản xuất các giống lúa lai nên 100% diện tích lúa đông xuân đều gieo cấy các giống lúa thuần chất lượng cao. Do là huyện vùng cao, trình độ thâm canh của người dân còn hạn chế, do đó ngay từ đầu vụ, phòng đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với UBND xã tổ chức nhiều hội nghị triển khai sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022. Đồng thời hướng dẫn người dân kỹ thuật làm đất, gieo cấy, chăm sóc và phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, rét hại cho cây lúa.
Hiện nay, nông dân vùng lòng chảo huyện Điện Biên đang làm đất, dọn bờ thửa, nạo vét kênh mương chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân. UBND huyện Đ Biên chỉ đạo các xã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng đầu vào các loại giống, phân bón phục vụ sản xuất. Đối với các xã trên kênh như: Hua Thanh, Thanh Nưa, một phần diện tích ruộng tại xã Noong Luống và Thanh Luông, người dân đã tận dụng nguồn nước từ khe suối, tiến hành gieo cấy được khoảng 500ha lúa.
Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Vụ đông xuân năm nay, huyện Điện Biên dự kiến gieo cấy trên 4.100ha lúa đông xuân. Cơ cấu giống vẫn sử dụng bộ giống lúa thuần chất lượng cao, chủ lực là: Bắc thơm số 7, Séng Cù, Hana 112 (65 - 75% tổng diện tích). Lịch trà chính từ ngày 10 - 15/1/2022. Với mục tiêu tăng cường cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, năm nay huyện Điện Biên sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cấy máy lên khoảng 400ha tại các xã vùng lòng chảo, trong đó nhiều nhất là xã Thanh Xương. Tuy nhiên, vụ sản xuất năm nay huyện Điện Biên gặp khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất. Hiện nay mực nước tại các hồ thủy lợi đang ở mức thấp, khả năng không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của người dân. Qua rà soát, toàn huyện có khoảng 40ha lúa không đủ nước để gieo cấy, tập trung nhiều nhất tại xã Sam Mứn. Trước thực trạng đó, bên cạnh những nỗ lực của đơn vị thủy nông, UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền các xã thông báo, khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm, đồng thời tận dụng tối đa nguồn nước từ khe suối để sản xuất.
Ông Lò Văn Ba, nông dân xã Thanh An cho biết: Năm nay gia đình tôi dự kiến gieo cấy 3.000m2 lúa. Sau hơn 1 tháng cho đất nghỉ, tôi đã thuê máy cày ải đất, dọn bờ thửa để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. 100% diện tích ruộng của gia đình đều được cày bằng máy nên tiến độ làm đất rất nhanh, chỉ 2 - 3 ngày là xong. Sau 2 vụ thử nghiệm cấy máy, năm nay tôi quyết định chuyển 100% diện tích từ gieo sạ sang cấy bằng máy cấy. Đến thời điểm này gia đình tôi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, chỉ đợi nước về ruộng là tiến hành sản xuất vụ đông xuân.