ĐBP - Vụ đông xuân 2021 - 2022, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy khoảng 9.670ha lúa. Đây là vụ sản xuất được dự báo sẽ khó khăn về nguồn nước, đặc biệt là địa bàn vùng cao. Vì vậy, để đảm bảo nước tưới cho cây trồng, ngay sau khi kết thúc vụ mùa, ngành Nông nghiệp tỉnh, các địa phương đã tập trung xây dựng, nâng cấp và sửa chữa, nạo vét hệ thống kênh mương thủy lợi, đồng thời có kế hoạch tưới tiết kiệm.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, tổng lượng mưa năm nay sẽ dưới trung bình so với các năm, có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, một số hồ chứa mới chưa đạt dung tích hữu ích trong khi các công trình là đập dâng nguồn nước phụ thuộc vào thời tiết. Để đảm bảo nước phục vụ sản xuất, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng như các địa phương đã chủ động xây dựng các phương án phòng chống hạn hán, thiếu nước. Trong đó chủ động kiểm tra, đánh giá, cân đối khả năng đáp ứng nguồn nước từng công trình đầu mối trạm bơm, hồ, đập; xác định cụ thể vùng nguy cơ hạn hán, thiếu nước để chủ động bố trí lịch thời vụ phù hợp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, cống thoát nước, trạm bơm; theo dõi sát diễn biến thời tiết để có giải pháp chống hạn kịp thời.
Dự kiến vụ đông xuân năm nay huyện Điện Biên gieo cấy khoảng 4.151ha, trong đó vùng lòng chảo khoảng 3.538ha. Trên địa bàn huyện có 9 hồ chứa nước, tuy nhiên dự báo vụ đông xuân 2021 - 2022 sẽ có khoảng 499ha (chiếm trên 10,8% diện tích lúa) có nguy cơ thiếu nước, khô hạn, tập trung ở các khu vực trên kênh của các xã: Thanh Chăn, Thanh Yên, Noong Luống, Sam Mứn, Pom Lót. Đối với vùng ngoài, các xã Na Tông, Phu Luông, Mường Lói cũng có nguy cơ thiếu nước cao. Để hạn chế tình trạng thiếu nước trong sản xuất, huyện Điện Biên đã chỉ đạo các xã tổ chức sản xuất đúng khung lịch thời vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích thiếu nước; đối với nơi thiếu nước hoặc làm đất muộn bố trí giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày. Đồng thời thường xuyên kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi, đập đầu mối; chủ động tổ chức nạo vét khơi thông các cửa dẫn nước; sửa chữa đầu mối, cống lấy nước, không để rò rỉ thất thoát nước; hướng dẫn người dân tưới tiết kiệm, hiệu quả.
Vụ đông xuân 2021 - 2022, huyện Mường Nhé dự kiến gieo cấy khoảng 150ha lúa; hiện nay 90% diện tích đất đang được người dân cày ải, làm đất, chuẩn bị gieo cấy. Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Vụ đông xuân là vụ thường xuyên thiếu nước. Phòng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã đánh giá nguồn nước trên địa bàn, thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết để đề xuất giải pháp chống hạn cụ thể từng vùng bị thiếu nước, khô hạn. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo kế hoạch, tham gia phòng, chống hạn; sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý bằng biện pháp lấy nước luân phiên; nạo vét, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi. Trong năm 2021, huyện đã tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi trước và sau mùa mưa để có biện pháp khắc phục, xử lý. Qua kiểm tra phát hiện 21 công trình bị hư hỏng do thiên tai và đã kịp thời sửa chữa, khắc phục tạm thời đảm bảo nước cho sản xuất. Bên cạnh đó, để khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi, toàn huyện đã thành lập được 44 chi hội dùng nước quản lý vận hành 56 công trình thủy lợi.
Ngay từ đầu vụ đông xuân năm 2021 - 2022, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị quản lý, điều tiết vận hành công trình thủy lợi, hồ chứa tích cực, chủ động trong công tác phòng chống hạn hán, đảm bảo cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân; chủ động xây dựng kế hoạch cung cấp nước; kế hoạch gieo cấy, nạo vét kênh mương, đầu mối công trình thủy lợi; tuyên truyền người dân thực hiện tốt công tác phòng chống hạn hán. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thời tiết để kịp thời hướng dẫn, thông báo đến các cấp chính quyền và người dân chủ động ứng phó, phòng tránh và khắc phục; sẵn sàng các phương án lắp đặt máy bơm dã chiến ven sông, ven suối, ao hồ đưa nước tới chân ruộng cao (nếu xảy ra thiếu nước). Đối với các hồ chứa nước, căn cứ vào nguồn nước của công trình và kế hoạch sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước tưới hợp lý, ưu tiên tưới những diện tích ở xa trước gần sau. Huy động nhân dân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, làm tốt công tác thủy lợi nội đồng đảm bảo đưa nước đến mặt ruộng.