Tái cơ cấu để phát triển nông nghiệp bền vững

08:38 - Thứ Năm, 06/01/2022 Lượt xem: 5033 In bài viết

ĐBP - Sau 4 năm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu và 3 năm thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên giai đoạn 2017 - 2020, ngành Nông nghiệp tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Người dân thị trấn Mường Ảng chăm sóc vườn cây ăn quả được chuyển đổi từ diện tích vườn tạp.

Cơ cấu lại sản phẩm

Trên cơ sở định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tiềm năng, lợi thế của địa phương và dự báo nhu cầu thị trường, tỉnh ta đã tổ chức rà soát, phân loại để cơ cấu các nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương gồm 11 nhóm sản phẩm thuộc các lĩnh vực: Trồng trọt (7), chăn nuôi (1), lâm nghiệp (2), thủy sản (1). Trong 11 nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh, có 5 nhóm sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia.

Lúa nước là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Đến hết năm 2020, tổng diện tích lúa nước đạt 29.322ha (tăng 1,1% so với năm 2017); sản lượng đạt 156.102 tấn (tăng 1,1%). Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, các địa phương đã tăng cường áp dụng cơ giới hóa sản xuất, thay đổi cơ cấu giống, sản xuất thâm canh các giống lúa chất lượng cao. Qua đó nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm lúa gạo Điện Biên. Đến nay, diện tích lúa chất lượng cao toàn tỉnh ước đạt 17.000ha, tập trung chủ yếu tại khu vực lòng chảo huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ, Mường Ảng, Tuần Giáo; sản lượng ước đạt 90.000 tấn, trong đó có khoảng 30.000 tấn được xuất bán ra thị trường ngoài tỉnh với các giống lúa chất lượng cao như IR64, Bắc thơm số 7, Séng cù, Hana 112...

Hiện nay, huyện Điện Biên có trên 4.100ha lúa chất lượng cao, trong đó có 10ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 15ha giống bắc thơm số 7 được cấp chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” và mã truy xuất nguồn gốc. Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Huyện đã tăng cường cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa nước. Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 90%; cơ giới hóa thu hoạch đạt 70% và gieo cấy đạt 6%. Huyện Điện Biên phấn đấu đến năm 2025, riêng vùng lúa chất lượng cao ở lòng chảo sẽ cơ giới hóa 100% trong tất cả các khâu. Để nâng cao giá trị sản phẩm gạo Điện Biên, ngoài tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo hướng liên kết sản xuất, huyện đang tích cực mời chào, thu hút các nhà đầu tư ngoài tỉnh xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo tập trung cho vùng nguyên liệu hơn 4.100ha.

Cùng với lúa nước, giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh ta cũng tập trung cơ cấu lại một số sản phẩm chủ lực địa phương gồm: Ngô, chè, cà phê, cao su, mắc ca, cây ăn quả, cây rau màu và các sản phẩm lĩnh vực chăn nuôi - thủy sản (trâu, bò, dê và cá rô phi). Ngoài ra, đối với nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương, có quy mô nhỏ, tỉnh đã cơ cấu lại cụ thể thông qua Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Điện Biên giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 44 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (2 sản phẩm xếp hạng 4 sao, 42 sản phẩm 3 sao).

Chuyển dịch theo lĩnh vực

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Thực hiện cơ cấu lại, giai đoạn 2017 - 2020, cơ cấu kinh tế ngành có sự chuyển dịch rõ nét theo hướng hiệu quả hơn. Ngoài vai trò cung cấp lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu dân sinh, sản xuất nông nghiệp đã chú trọng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.

So với các lĩnh vực khác của ngành Nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt có kết quả đậm nét hơn cả. Giai đoạn 2017 - 2020, các địa phương đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế địa bàn, nhu cầu thị trường và điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời tích cực ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm chi phí, nâng cao thu nhập. Toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 2.755,97ha đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang các cây trồng khác; trong đó chuyển đổi sang trồng cây hàng năm 1.253,55ha (ngô, đậu tương, cỏ, mía, dứa, hoa, dong riềng, bí xanh), chuyển đổi sang trồng cây lâu năm 1.502,42ha (cây ăn quả, chè, mắc ca, cây dược liệu, rừng sản xuất).

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa, tập trung như: Lúa chất lượng cao khoảng 8.000ha tại các huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng, TP. Điện Biên Phủ; ngô 9.000ha tại Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên, Điện Biên Đông; 230ha rau chuyên canh tại huyện Điện Biên; 3.229ha mắc ca tại các huyện Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Nhé, TP. Điện Biên Phủ; 597ha chè tại Tủa Chùa; 3.300ha cà phê tại Mường Ảng và Tuần Giáo; cây ăn quả (bưởi, cam, xoài, nhãn) khoảng 3.000ha tại các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên. 

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Cơ cấu nông nghiệp từng bước chuyển dịch đúng hướng, giá trị các sản phẩm chủ lực tăng lên… có phần đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp. Những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay toàn tỉnh đã kêu gọi, thu hút được 24 doanh nghiệp đầu tư các dự án vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 10.400 tỷ đồng.

Trong số các dự án về nông nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh, các dự án phát triển cây mắc ca chiếm tỷ trọng lớn hơn cả. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 dự án trồng cây mắc ca được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng diện tích là 47.046ha, tổng vốn đầu tư 8.812 tỷ đồng. Đến nay toàn tỉnh đã trồng được 3.820ha, tập trung tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Mường Nhé, Điện Biên Đông và TP. Điện Biên Phủ; trong đó có 3.375ha thuộc các dự án do doanh nghiệp đầu tư.

Bên cạnh thu hút đầu tư vào các dự án phát triển sản xuất, tỉnh ta cũng chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm. Hiện nay toàn tỉnh có 817 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến; trong đó có 40 doanh nghiệp, 93 hợp tác xã, 25 tổ hợp tác, còn lại là quy mô hộ gia đình. Các sản phẩm chế biến của tỉnh được quan tâm và đánh giá cao tại các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Tốc độ tăng thu nhập từ chế biến nông, lâm thủy sản giai đoạn 2017 - 2020 bình quân đạt 5%/năm.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top