Những mùa vàng bội thu

08:23 - Thứ Tư, 12/01/2022 Lượt xem: 5338 In bài viết

ĐBP - Vụ mùa 2021, huyện Nậm Pồ đã triển khai nhiều mô hình trình diễn áp dụng giống mới trong sản xuất lúa tại một số địa phương và thu được kết quả khả quan. Những tín hiệu tích cực đó không chỉ tạo tiền đề cho việc thay thế các giống lúa cũ năng suất thấp mà còn sàng lọc, lựa chọn ra bộ giống lúa năng suất, chất lượng cao bổ sung vào cơ cấu giống, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện.

Nông dân Chà Tở thu hoạch giống lúa mới đưa vào khảo nghiệm.

Đưa giống mới vào khảo nghiệm

Những năm qua, nông dân huyện Nậm Pồ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc chọn giống lúa có năng suất, chất lượng cao để canh tác. Bởi lẽ nhiều giống lúa bà con trồng lâu năm, đến nay đã thoái hóa, năng suất thấp, dễ nhiễm nhiều sâu, bệnh hại, hiệu quả kinh tế chưa cao. Bài toán đặt ra là, phải làm thế nào cho nông dân tiếp cận với những loại giống mới, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng; giúp nông dân sớm thoát đói nghèo. Giải quyết khó khăn trên, UBND huyện Nậm Pồ đã triển khai các mô hình trình diễn áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa vụ mùa năm 2021 trên địa bàn.

Nậm Tin là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Pồ, địa hình đồi núi phức tạp, giao thông khó khăn, kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa được đầy đủ, tập quán sản xuất nông nghiệp của người dân còn lạc hậu. Hầu hết người dân nơi đây sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp; nhưng tập trung vào vài giống lúa cũ, năng suất, sản lượng chưa cao. UBND huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện triển khai mô hình trình diễn giống lúa mới ADI 168 tại xã Nậm Tin.

Ông Phạm Trần Trường, Phó Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Nậm Pồ cho biết: Trung tâm phối hợp với UBND xã Nậm Tin tổ chức rà soát và xin ý kiến người dân, chọn 2 địa điểm là bản Mốc 4 với 5,03ha và bản Nậm Tin với 3,67ha; tổng diện tích đăng ký là 8,7ha với 33 hộ nông dân tham gia mô hình trình diễn. Ngoài ra, Trung tâm cũng tiến hành trồng giống lúa Tám thơm để có sự so sánh đối chiếu về quá trình sinh trưởng, phát triển cũng như năng suất, sản lượng với giống mới ADI 168.

Theo ông Phạm Trần Trường, ngoài cánh đồng tại xã Nậm Tin, Trung tâm DVNN huyện Nậm Pồ còn đưa các giống lúa thuần chất lượng cao, như: ADI 28, ADI 168, HDT10 về khảo nghiệm tại các xã Si Pa Phìn, Pa Tần, Chà Cang, Chà Tở, Nậm Khăn… Cũng với cách thức tương tự như tại xã Nậm Tin, vụ mùa vừa qua 356 hộ nông dân thuộc các xã trên đã sản xuất 61,224ha các giống lúa mới.

Những tín hiệu khả quan

Gia đình anh Hờ A Chờ, bản Mốc 4, xã Nậm Tin có gần 5.000m2 trồng giống lúa mới. Anh Chờ vui vẻ cho biết: “Trên diện tích này, mọi năm gia đình tôi chỉ thu được 30 bao thóc. Nhưng năm nay được trồng thử nghiệm giống mới, tôi thấy cây lúa tốt hơn hẳn; năng suất, sản lượng cũng tăng cao. Năm nay, gia đình tôi thu được 50 bao thóc. Sang năm nếu có mô hình trồng giống lúa mới này, gia đình tôi vẫn sẽ tiếp tục tham gia, còn nếu không cũng tự tìm mua giống về để gieo cấy”.

Theo đánh giá của Trung tâm DVNN huyện Nậm Pồ, giống lúa ADI 168 trên chân ruộng xã Nậm Tin có số dảnh hữu hiệu/khóm cao, tổng số hạt chắc/bông cao, tỷ lệ hạt lép thấp hơn so với giống đối chứng Tám thơm. Hơn nữa, năng suất giống ADI 168 đạt 80,5 tạ/ha trong khi giống đối chứng Tám thơm chỉ đạt 63,8 tạ/ha. Ngoài ra, giống ADI 168 có dạng hạt thóc thon dài, màu vàng sáng, gạo trong, cơm dẻo và ngon. Mô hình do áp dụng tiến bộ kỹ thuật để đảm bảo dinh dưỡng cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây nên tổng chi phí thâm canh giống ADI 168 cao hơn so với Tám thơm, nhưng ADI 168 cho năng suất cao hơn. Không tính công lao động và trừ các khoản chi giống vật tư và giá bán thóc dự kiến của hai giống đều là 8.000 đồng/kg thì mô hình giống ADI 168 lãi hơn Tám thơm gần 18 triệu đồng/ha.

Tương tự như giống ADI 168, giống lúa thuần chất lượng cao ADI 28 được 38 hộ dân xã Nà Hỳ triển khai trên 10ha cánh đồng bản Huổi Hoi, Sín Chải, Huổi Cơ Dạo cũng mang về hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Ông Tráng A Sùng, cán bộ Trung tâm DVNN huyện Nậm Pồ phụ trách mô hình cho biết: Giống lúa ADI 28 có tỷ lệ nảy mầm khá cao, trên 90%, đẻ nhánh khá và tập trung, cây cứng, màu sắc lá tươi sáng, khả năng chống đổ ngã và chống chịu sâu bệnh tương đối tốt. Năng suất thu hoạch bình quân đạt 68 - 72 tạ/ha, cao hơn từ 3 - 5 tạ/ha so với các giống lúa ngoài mô hình tại địa phương.

Qua triển khai các mô hình đối với các giống lúa thuần ADI 28, ADI 186, HDT10 có thể thấy các giống lúa này phù hợp với nhiều chân đất trên địa bàn huyện Nậm Pồ và có thể thâm canh 2 vụ. Năng suất trung bình của cả 7 mô hình đạt 69,5 tạ/ha, trong đó có những mô hình vượt trội hẳn về năng suất, như: Mô hình tại xã Nậm Tin đạt 80,5 tạ/ha; mô hình tại xã Nậm Khăn đạt 70,2 tạ/ha; mô hình tại xã Nà Hỳ đạt 70 tạ/ha… Ông Phạm Trần Trường cho biết thêm: So sánh về hiệu quả kinh tế, trừ tất cả các chi phí sản xuất và công lao động, thì trung bình thu nhập từ các mô hình trình diễn giống lúa thuần mới cao hơn giống lúa thuần cũ và giống địa phương từ 6 - 7 triệu đồng/ha. Không chỉ vậy, công tác thông tin truyền thông qua các buổi tập huấn, tham quan, hội thảo, mô hình trình diễn đã tạo chuyển biến tích cực cho người nông dân. Từ đó, khiến họ nhận thức tầm quan trọng của việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới có giá trị và năng suất cao vào sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top