Phát triển năng lượng tái tạo còn khó khăn

08:32 - Thứ Năm, 13/01/2022 Lượt xem: 3201 In bài viết

ĐBP - Địa hình chia cắt, nhiều sông suối, có độ chênh lệch lớn về dòng chảy tạo thủy năng mạnh; thời gian bức xạ nhiệt trong ngày lớn thứ tư trên cả nước với 4,5 - 4,7 kwh/m2/ngày và là 1 trong 2 tỉnh (cùng với Sơn La) có bức xạ nhiệt trong ngày lớn nhất miền Bắc. Đó là tiềm năng để Điện Biên phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ thiên nhiên, góp phần tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường.

Công nhân Thủy điện Nậm Pay, xã Nà Tòng, huyện Tuần Giáo vận hành hệ thống.

Ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Những năm qua, ngành Công Thương tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh các dự án phát triển thủy điện, góp phần tăng trưởng kinh tế cho địa phương. Toàn tỉnh có 13 dự án thủy điện đang vận hành khai thác với tổng công suất lắp máy 188,8MW; 6 dự án đang thi công xây dựng với tổng công suất lắp máy 96,5MW; 18 thủy điện được cấp chủ trương đầu tư và đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư chưa triển khai thi công xây dựng với tổng công suất lắp máy 201,3MW; 20 dự án thủy điện được UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát, lập dự án đầu tư, chưa hoàn thiện các thủ tục cấp chủ trương đầu tư xây dựng đã và đang thực hiện quy trình thẩm định chờ kết quả rà soát theo yêu cầu của Bộ Công Thương với tổng công suất lắp máy 168,1MW. Các dự án thủy điện chủ yếu vừa và nhỏ, số hộ dân và diện tích đất đai bị ảnh hưởng không lớn, chủ yếu là bồi thường về đất nương, đất sông suối, hạn chế sử dụng diện tích đất ruộng và đất rừng, không phải thực hiện di dân tái định cư mà chỉ thực hiện di vén dân tại chỗ như: Thủy điện Nậm Mức thực hiện di vén dân tại chỗ 5 hộ, Thủy điện Sông Mã 3 thực hiện di vén tại chỗ 7 hộ, Thủy điện Mường Luân 1 thực hiện di vén tại chỗ 5 hộ... Mặc dù có tác động đến môi trường phía thượng lưu và hạ lưu nhà máy, song tác động không lớn, khi các dự án được xây dựng và đi vào khai thác sẽ từng bước xác lập môi trường mới theo hướng bền vững. Cùng với đó, việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện còn tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tăng nguồn thu ngân sách địa phương từ các khoản thuế và phí; sản xuất ra sản lượng điện năng đáng kể hòa vào lưới điện quốc gia.

Đối với nguồn điện mặt trời, trước đây việc lắp đặt chủ yếu phục vụ cấp điện cho hộ gia đình, doanh nghiệp với quy mô nhỏ, độc lập và không kết nối với lưới điện quốc gia. Sau khi có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, đăng ký, lập dự án điện mặt trời nối lưới, công suất mỗi dự án từ vài chục đến vài trăm MWp. Hiện nay, toàn tỉnh chưa có dự án điện mặt trời được triển khai đầu tư xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư (không bao gồm các dự án hệ thống điện mặt trời mái nhà với quy mô công suất nhỏ hơn 1MWp). Song các dự án hệ thống điện mặt trời mái nhà có quy mô nhỏ hơn 1MWp (1.000kWp) chủ yếu lắp đặt trên mái nhà các hộ gia đình, nhà xưởng và một số công trình nông nghiệp thuộc dự án trồng cây công nghệ cao, không chiếm dụng diện tích đất dự án (tận dụng diện tích trên mái nhà) nên không phải thực hiện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất dự án và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực. Đến nay, trên địa bàn có 476 khách hàng đã được đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà có tổng công suất 28,916kWp sản lượng 3,256 triệ kWh/năm.

Mặc dù vậy, thời gian gần đây do tác động của biến đổi khí hậu nên thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, nguồn nước mặt giảm sút, một số sông suối khô cạn, lượng nước đầu nguồn về các hồ chứa ít nên một số nhà máy thủy điện không đủ nước để phát điện theo công suất thiết kế, dẫn đến sản lượng điện sản xuất đạt thấp. Ngoài ra, do việc lựa chọn địa điểm nhà máy, quy mô nhà máy phải khảo sát đánh giá kỹ, cần có nhiều phương án để lựa chọn trước khi quyết định đầu tư dự án, điều chỉnh các thông số trong quy hoạch theo quy định nên công tác triển khai khảo sát, lập dự án đầu tư và thực hiện các nội dụng công việc đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện còn chậm, kéo dài. Thực tế, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất rừng, đất nông nghiệp còn gặp trở ngại, kéo dài, gây khó khăn cho việc triển khai các dự án đúng tiến độ. Đơn cử như thủy điện Long Tạo, Mùn Chung 2, Nậm Pay, do một số hộ dân đòi giá đền bù cao hơn nhiều so với mức giá quy định của Nhà nước. Việc thỏa thuận đấu nối và đấu nối các nhà máy thủy điện vào lưới điện quốc gia cũng còn nhiều khó khăn (như thủy điện Sông Mã 3, Huổi Vang, Mường Mươn, Huổi Chan 1...) ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành đưa vào vận hành khai thác. Còn đối với việc lắp đặt nguồn điện mặt trời, các dự án này thực hiện theo cơ chế khuyến khích phát triển và đã dừng tiếp nhận đăng ký nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà từ ngày 1/1/2021 do chưa có hướng dẫn triển khai thực hiện.

Để tiếp tục khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế trên địa bàn tỉnh, Điện Biên đã đề xuất bổ sung dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Cụ thể là đề xuất bổ sung vào quy hoạch Nhà máy điện gió BCG Điện Biên 1, công suất 175MW và Nhà máy điện gió BCG Điện Biên 2, công suất 175MW; các dự án được UBND tỉnh chấp thuận vị trí, địa điểm lắp đặt trụ đo gió phục vụ nghiên cứu, khảo sát dự án. Đồng thời dựa trên tình hình thực tế tỉnh ta đề xuất thực hiện các thủ tục thu hồi đối với dự án thủy điện Nậm Khẩu Hu 2 do không đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước Nhà máy nước Điện Biên để cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ TP. Điện Biên Phủ và một phần huyện Điện Biên; loại bỏ quy hoạch 6 dự án (Nậm Khẩu Hu 2, Tủa Thàng, Chà Nưa 1, Chà Nưa 2, Nậm Ngắm, Lê Bâu 1). Đối với các dự án chậm tiến độ, do chưa có tuyến đường dây truyền tải, trạm biến áp 110kV để thực hiện các thủ tục đấu nối giải phóng công suất (dự án Nậm Pô 2, Nậm Pô 3, Nậm Chà 3, Mô Phí 1, Na Phát...), tỉnh đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư đồng bộ với việc đầu tư xây dựng các tuyến đường dây truyền tải đấu nối theo quy định.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top