Mường Nhé phòng, chống đói rét cho gia súc

08:39 - Thứ Sáu, 14/01/2022 Lượt xem: 3395 In bài viết

ĐBP - Những ngày qua, thời tiết diễn biến khá phức tạp, nhiều đợt rét kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất của người dân, gây hại sức khỏe đàn vật nuôi trên địa bàn huyện Mường Nhé. Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống đói rét cho gia súc, gia cầm như: Dự trữ thức ăn, sửa chữa, che chắn chuồng trại...

Thức ăn cho gia súc được gia đình ông Vũ Thái Thụy, xã Mường Nhé đóng bao dự trữ cẩn thận.

Gia đình anh Khoàng Dèn Xà, bản Á Di, xã Leng Su Sìn hiện có gần 20 con trâu, bò. Từ nhiều năm nay, mỗi khi chuẩn bị vào mùa đông, gia đình anh đều sửa chữa lại chuồng trại để tránh gió, rét cho đàn gia súc, đồng thời dự trữ thức ăn khô và trồng thêm cỏ voi đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi. Anh Xà chia sẻ: Trước đây, người dân chúng tôi thường ít chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe đúng kĩ thuật cho đàn gia súc, gia cầm. Mùa đông chưa chủ động nguồn thức ăn, còn thả rông trên đồi; dẫn đến vật nuôi chậm lớn, thậm chí thiệt hại nhiều do trâu, bò bị chết do rét. Mấy năm gần đây, nhờ thường xuyên được cán bộ xã, huyện tuyên truyền, hướng dẫn cách chăm sóc cũng như phòng bệnh cho vật nuôi nên tôi và các hộ dân trong bản đã thay đổi nhận thức. Đến nay, 100% người dân bản Á Di đều dự trữ được thức ăn cho trâu, bò khi mùa đông đến. Nhờ đó mà đàn vật nuôi luôn phát triển ổn định. Cũng như ở bản Á Di, cơ bản hiện nay người dân xã Leng Su Sìn đã ý thức được tầm quan trọng của việc phòng, chống đói rét cho gia súc.

Tại xã Mường Nhé, ông Vũ Thái Thụy, Bí thư Đảng ủy xã là một trong những hộ có số lượng đàn gia súc nhiều trên địa bàn với hơn 20 con trâu, hiện ông đang nuôi theo hình thức liên kết với một số hộ ở địa phương. Hàng năm, mỗi khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là các đợt rét đậm, rét hại, ông đều dự trữ thức ăn, chủ động nâng cấp, sửa chữa chuồng trại để bảo vệ đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, tiêm phòng một số loại vắc xin cần thiết cho vật nuôi như bệnh lở mồm long móng, nhiệt thán, tụ huyết trùng; thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, theo dõi tình trạng sức khỏe gia súc để phát hiện, xử lý kịp thời khi có dấu hiệu bất thường do đói rét, dịch bệnh. “Những năm trước, nhiều hộ chăn nuôi trong xã còn chủ quan nên số lượng trâu bò mắc bệnh, chết trong mùa rét lạnh vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến kinh tế của các hộ dân. Do đó, trên cương vị là lãnh đạo xã, tôi không những đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách chăm sóc, phòng chống rét, dịch bệnh cho gia súc mà còn đi đầu thực hiện để bà con thấy hiệu quả và làm theo. Nhờ đó, những năm gần đây, ý thức bảo vệ đàn gia súc của người dân dần được nâng lên, không còn tình trạng gia súc bị chết do đói, rét” - ông Thụy chia sẻ.

Huyện Mường Nhé hiện có hơn 23.000 con gia súc. Với số lượng gia súc lớn, hơn nữa năm 2021 việc quan tâm, chăm sóc đàn gia súc được huyện tiếp tục đặc biệt quan tâm, sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức nuôi nhốt tập trung, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Theo đó, nhằm phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi nói chung, gia súc nói riêng, ngay từ đầu mùa đông, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, căn cứ vào chức năng được giao, Phòng đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi tầm quan trọng của công tác phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc; hướng dẫn bà con làm mới, gia cố, che chắn chuồng trại, phù hợp với từng loại gia súc để tránh gió lùa và đảm bảo vệ sinh; dự trữ củi, trấu để đốt sưởi trong những ngày rét đậm, rét hại. Ban ngày chăn thả, tối đưa trâu, bò về chuồng. Nhắc nhở bà con thường xuyên bổ sung thức ăn tinh như cám gạo, bột ngô, bột sắn, cho uống nước ấm pha muối, khi nhiệt độ xuống thấp... Nhờ chủ động trong mọi tình huống, từ năm 2021 đến nay, huyện chưa ghi nhận trường hợp trâu, bò bị chết do đói, rét.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top