Không để xảy ra vi phạm, gian lận thương mại

07:25 - Chủ Nhật, 16/01/2022 Lượt xem: 4659 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra với quy mô nhỏ lẻ, tính chất vụ việc không lớn song vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Cục Quản lý thị trường (QLTT) Điện Biên đã chủ động bám sát tình hình diễn biến thị trường theo từng thời điểm; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật góp phần bình ổn thị trường.

Đội QLTT số 3 kiểm soát thị trường trên địa bàn huyện Điện Biên.

Ông Lò Ngọc Minh, Cục trưởng Cục QLTT Điện Biên cho biết: Căn cứ định hướng chương trình kiểm tra, diễn biến thị trường, tình hình dịch bệnh Covid-19 và yêu cầu công tác, Cục QLTT Điện Biên đã xây dựng, tổ chức lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường định kỳ, chuyên đề; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt là bám sát chỉ đạo của cấp trên và tình hình diễn biến thị trường theo từng thời điểm, tăng cường công tác quản lý địa bàn; kiểm tra tại các chợ đầu mối, kho, bến, bãi, nhà phân phối, đại lý, trung tâm thương mại, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh các nhóm sản phẩm thuộc phạm vi quản lý. Trong đó tập trung kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, đo lường, chất lượng, hạn sử dụng hàng hóa như: Đồ chơi trẻ em mang tính kích động, bạo lực; động vật hoang dã; hàng may mặc sẵn; đồ điện, điện tử; lương thực thực phẩm, rượu bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, thuốc lá, hoa quả; vật tư, thiết bị y tế, thuốc tân dược phục vụ phòng, chống Covid-19. Ngoài ra, đơn vị thường xuyên mở các đợt kiểm tra, kiểm soát; ngăn chặn xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép trâu bò từ nước ngoài vào địa bàn; kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động kinh doanh mủ cao su không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác trao đổi thông tin, kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, quy chuẩn kỹ thuật, không niêm yết giá; lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, buôn bán vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập lậu.

Theo đánh giá từ Cục QLTT Điện Biên, năm 2021, diễn biến thị trường tương đối ổn định, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trang thiết bị vật tư y tế đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân, không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa hay lợi dụng dịch bệnh, đầu cơ, găm hàng tăng giá gây biến động thị trường. Cục QLTT Điện Biên đã kiểm tra 1.519 vụ (tăng 7,5%), xử phạt vi phạm hành chính 411 vụ (tăng 6,4%) nộp ngân sách Nhà nước hơn 690 triệu đồng. Trong đó 207 vụ vi phạm lĩnh vực giá, 23 vụ vi phạm quy định kinh doanh, 45 vụ vi phạm an toàn thực phẩm (hàng quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ) và 136 vụ vi phạm khác. Lực lượng chức năng đã buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm trị giá hơn 64 triệu đồng gồm: 2.168 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại quá hạn sử dụng, hỏng mốc; 300kg quả tươi (táo, nho, lựu, xoài) không rõ nguồn gốc, xuất xứ, 135kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các vụ việc được phát hiện xử lý tăng so với cùng kỳ do các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh thường xuyên bám sát địa bàn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định. Đồng thời tích cực tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết: Không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch, không đảm bảo vệ sinh thú y, không đảm bảo an toàn thực phẩm; niêm yết giá bán hàng hóa và bán đúng giá niêm yết; không đầu cơ...

Cùng với Cục QLTT Điện Biên, các ngành thành viên, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình công tác theo từng thời kỳ. Kết hợp công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm với phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đến nhân dân; nhất là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trực tiếp, trên các phương tiện thông tin đại chúng, năm 2021 các đơn vị liên quan đã tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến trên 3.000 lượt tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; vận động 2.300 tổ chức, cá nhân ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top