Đảm bảo hàng tết địa bàn vùng cao

08:24 - Thứ Hai, 24/01/2022 Lượt xem: 4437 In bài viết

ĐBP - Tết Nguyên đán đã cận kề, thời điểm này sức mua hàng của người dân bắt đầu tăng song ở mức không cao, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm thu nhập trong năm của nhiều người giảm. Tuy nhiên, nhiều đại lý phân phối hàng hoá, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn các huyện, thị xã vẫn nhập đầy đủ các mặt hàng; bởi vậy không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng, sốt giá, nhất là ở địa bàn vùng cao.

Cửa hàng tạp hóa của anh Trần Duy Thăng, xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) bày bán phong phú hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn.

Tại các đại lý phân phối và cửa hàng tạp hóa trên địa bàn huyện Tủa Chùa, ngay từ đầu quý IV/2021 lượng hàng hóa nhập về đã tăng 2 - 3 lần so với những tháng trước. Anh Trần Duy Thăng, chủ cửa hàng tạp hóa trung tâm xã Xá Nhè cho biết: Trước đây, cứ đến khoảng 23 tháng Chạp, sức mua của người dân sẽ tăng gấp 5 - 6 lần so với ngày thường. Thế nhưng 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mặc dù người dân đến mua sắm hàng hóa có tăng so với thời điểm trước song ở mức không cao. Mặc dù vậy, để đảm bảo cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân ở các thôn, bản trên địa bàn xã Xá Nhè, gia đình vẫn nhập đầy đủ các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ tết Nguyên đán. Hiện nay, tổng giá trị hàng hóa gia đình nhập về khoảng 300 triệu đồng (tăng gấp 3 lần so với dịp thường); chủ yếu là các mặt hàng: Bánh kẹo, nước giải khát, trứng, sữa, thực phẩm đông lạnh, dầu ăn các loại...

Tương tự Tủa Chùa, thời điểm này tại các địa bàn vùng cao khác như: Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, hàng hóa thiết yếu phục vụ tết Nguyên đán đã được dự trữ số lượng lớn, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu người dân. Hiện nay hệ thống giao thông được đầu tư mở mới và tu sửa nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa từ ngoại tỉnh, TP. Điện Biên Phủ đến các huyện, thị và từ trung tâm huyện đến các xã diễn ra thuận thuận lợi, kịp thời, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân trong dịp tết.

Đối với các doanh nghiệp, nhà phân phối, đại lý lớn trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Cát Lợi, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thương mại dịch vụ Điện Biên, Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại dịch vụ Hoa Ba, Doanh nghiệp Tư nhân Ngô Thanh Chi, Công ty TNHH Long Hằng; Công ty Xăng dầu Điện Biên, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nam Linh Trang... đã tập kết, dự trữ nguồn hàng thiết yếu đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp tết. Cụ thể, mặt hàng xăng, dầu các loại dự ước tổng trị giá khoảng 70 tỷ đồng; các mặt hàng khác như: Bánh, kẹo, rượu, bia, mì chính, nước mắm, dầu ăn các loại, đường, sữa, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, gạo các loại; hàng nông, lâm sản, thực phẩm tươi sống... ước trị giá khoảng 400 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trên địa bàn tỉnh không tổ chức các hội chợ thương mại vào dịp cuối năm song nguồn hàng tại vùng cao vẫn phong phú. Để đưa hàng lên vùng cao, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối, đại lý đã chủ động phương tiện vận chuyển và phân phối hàng hóa tận nơi.

Cùng với việc đưa hàng tết về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ngay từ đầu tháng 12/2021, Sở Công Thương đã chỉ đạo phòng kinh tế - hạ tầng các huyện, thị xã tham mưu UBND cùng cấp xây dựng phương án đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn trên cơ sở dự báo thị trường, nhu cầu hàng hóa dịp tết và năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn để thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các đơn vị chức năng cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tránh tình trạng hàng giả, kém chất lượng, hàng lậu xâm nhập vào thị trường, nhất là địa bàn vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top