Thực phẩm tươi sống tăng giá ngày giáp Tết

13:25 - Thứ Hai, 31/01/2022 Lượt xem: 4250 In bài viết

ĐBP - Sau ngày ông Công ông Táo, nhu cầu mua sắm chuẩn bị tết của người dân bắt đầu tăng, giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống trên thị trường cũng tăng dần theo sức mua. Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày cận tết, các mặt hàng, như: thịt bò, thịt lợn, gà… đều tăng thêm từ 10.000 đến 30.000 đồng/kg; các loại rau củ hầu hết đều tăng giá nhẹ dù đang chính vụ.

Giá rau xanh những ngày cận tết tăng nhẹ.

Tại các chợ trung tâm trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ tập trung rất đông người dân mua sắm thực phẩm tết. Đặc biệt các chợ, như: Mường Thanh, Trung tâm 1, Him Lam, Noong Bua… lượng người mua, bán tăng ít nhất 50% so với những ngày thường. Sức mua tăng chủ yếu ở nhóm thực phẩm tươi sống: thịt bò, gà, cá, tôm… Mức tăng cao nhất là thịt bò, tăng khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg. Hiện giá thịt bò thăn loại 1 đã ở ngưỡng 280.000 đồng/kg, bò bắp khoảng 280.000 - 290.000 đồng/kg. Theo lý giải của các tiểu thương, gần tết người dân thường đổ xô mua các loại thịt ngon để về làm thịt bò sấy... Còn các loại thịt rìa, xương nhu cầu lại giảm xuống, giá bán vì thế cũng phải hạ theo. Chính vì vậy, người bán phải tăng giá các loại thịt ngon lên để bù vào phần chênh lệch.

Tương tự với thịt lợn, do nhu cầu người dân mua thịt về làm lạp xưởng, thịt sấy… nên thịt mông, nạc vai, ba chỉ hiện có mức giá trung bình từ 120.000 – 130.000 đồng/kg, tăng thêm từ 10.000 – 20.000 đồng/kg tùy từng loại thịt. Chị Trần Thị Tình, tiểu thương bán thịt lợn tại Mường Thanh cho biết: Giá thịt lợn đã tăng gần 1 tháng nay, cứ vài ngày giá thịt lợn lại nhích thêm khoảng 10.000 đồng/kg. Riêng thịt lợn dân, các loại thịt ba chỉ, thịt mông, nạc vai có giá trung bình khoảng 200.000 đồng/kg.

Thịt gà cũng là mặt hàng có mức tăng giá nhanh và cao trong những ngày giáp tết này. Hiện giá gà tại các chợ trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ đã tăng từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Theo đó, gà công nghiệp có mức giá khoảng 110.000 đồng/kg, gà ta thả vườn có giá 130.000 – 140.000 đồng/kg, gà của đồng bào dân tộc thiểu số có giá trung bình 150.000 đồng/kg... Chị Khúc Thị Hường, tiểu thương kinh doanh gà tại chợ Trung tâm 1 cho biết: Giá thịt gà tăng từng ngày, nhiều khách quen đặt mua từ sớm vì sợ không có gà ăn tết, nhất là gà ta, gà chọi, gà dùng để cúng. Do đó, chúng tôi cũng phải đặt hàng từ những mối quen từ cách đây cả tháng để đảm bảo đủ gà và có gà ngon cung cấp cho khách.

Không riêng các loại thịt gia súc, gia cầm, giá các loại thủy, hải sản cũng tăng nhẹ so với đầu tháng chạp, riêng giá tôm tăng khá cao từ 30.000 – 50.000 đồng/kg; các loại cá nước ngọt cũng tăng từ 5.000 -10.000 đồng/kg...

Chị Nguyễn Thu Ngân, tổ dân phố 1, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Giá các loại thực phẩm ở chợ hiện đã tăng so với cách đây gần mười ngày. Đó là quy luật chung của thị trường, do đây là những loại thực phẩm chủ yếu để chế biến nhiều món cho mâm cỗ dịp tết nên nhu cầu  mua tăng cao. Tôi thấy thị trường thực phẩm tết khá đa dạng, phong phú, dễ mua, dễ lựa chọn. Giá cả tăng nhưng không đột biến, không đáng lo ngại.

Người dân mua thịt lợn tại chợ Mường Thanh.

Khảo sát đối với mặt hàng trái cây, giá bán cũng được ghi nhận thay đổi từng ngày. Bình quân, mức tăng giá của mặt hàng này là từ 20 – 30% so với thời điểm đầu tháng chạp. Tại các chợ, giá bán lẻ một số loại trái cây như sau: quýt thái dao động từ 45.000 – 50.000 đồng/kg; cam canh có giá khoảng 70.000 đồng/kg; xoài thái dao động từ 30.000 – 50.000/kg tùy loại to nhỏ khác nhau; dưa hấu dao động từ 25.000 – 35.000 đồng/kg, riêng loại dưa hấu có khắc chữ phúc, lộc, thọ… để bày ban thờ có giá 40.000 đồng/kg…

Đối với mặt hàng rau xanh, mặc dù đang là chính vụ đông, nhưng giá rau những ngày qua cũng đã tăng nhẹ. Ví dụ như cải ngọt, cải làn ngồng có giá khoảng 20.000 đồng/kg, tăng từ 3.000 – 5.000 đồng/kg; riêng cà chua có giá từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg… Theo các tiểu thương kinh doanh tại các chợ, giá các loại thực phẩm tươi sống từ trái cây, rau củ đến thịt, cá đều tăng vào dịp tết, nguyên nhân một phần do sức mua tăng cao, một phần do các chi phí vận chuyển, bốc xếp cũng tăng nên bắt buộc giá các mặt hàng tăng theo.

Ghi nhận ở các chợ dân sinh khác trên địa bàn tỉnh, sát Tết Nguyên đán, sức mua tăng dần. Giá các loại thực phẩm theo đó cũng tăng nhẹ. Hầu hết người dân vùng nông thôn chủ động được nhiều loại thực phẩm tết, như: Gà, lợn, rau, gạo nếp, đậu… chỉ mua một số thứ thiết yếu nên mặc dù sức mua tăng nhưng không biến động nhiều, giá cả một số mặt hàng cũng chỉ nhích nhẹ.

Mặc dù giá bán thực phẩm tại các chợ đều tăng, thế nhưng tại các siêu thị, giá bán thực phẩm do được niêm yết từ trước nên không có nhiều thay đổi đáng kể, có tăng thì chỉ tăng ở mức nhẹ. Tuy nhiên, đa phần người tiêu dùng cũng không tính toán nhiều về mặt giá cả, bởi giá không biến động nhiều, và hơn hết nhiều người chỉ cốt sao mua được hàng ngon, hàng đẹp về dùng dịp tết.

Theo tiểu thương kinh doanh tại các chợ, giá các loại thực phẩm trên địa bàn tỉnh chỉ biến động từ ngày 23 tháng chạp đến ngày 30 tết, do nhu cầu tiêu dùng tăng. Sau tết, giá các loại thực phẩm sẽ ổn định do nguồn cung thực phẩm dồi dào.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top