ĐBP - Chạy xe trên tuyến đường bê tông nội bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ), thanh âm của tiếng thoi đưa khung cửi nhịp nhàng thu hút chúng tôi. Dừng chân tại nhà sàn văn hóa, hình ảnh các bà, các chị vừa cười nói, vừa nhanh tay dệt khiến chúng tôi không thể rời mắt. Được biết, các bà, các chị ở đây đều là thành viên tổ thêu dệt thổ cẩm của bản. Sau những ngày bận rộn nương rẫy, các thành viên lại tập trung tại nhà văn hóa để cùng dệt thổ cẩm truyền thống. Đây được coi là bước ngoặt mới cho nghề dệt thổ cẩm nơi đây, bởi trước kia các hộ chỉ phát triển tự phát, nhưng nay được quy hoạch thành khu sản xuất tập trung, có định hướng phát triển theo hướng sản phẩm thương mại.
Sinh ra, lớn lên và gắn bó với bản Phiêng Lơi khi mới 7 tuổi, bà Lò Thị Dương đã được các bà, các mẹ cho làm quen với việc nhặt bông, xe sợi. Giờ đây, khi đã gần 60 tuổi, dù không còn khỏe như trước, nhưng bà Dương vẫn nhịp nhàng chân đạp, tay thoăn thoắt đưa co. “Lúc đó, con gái trong bản ai cũng học và biết dệt thổ cẩm. Tôi cũng rất yêu thích nghề dệt nên học nhanh và biết dệt những sản phẩm để phục vụ cho cuộc sống gia đình” - bà Dương chia sẻ.
Sau khi nghề dệt thổ cẩm được bà con đồng lòng khôi phục sau nhiều năm gián đoạn, bà Dương đã cùng các bà, các cụ trong bản chỉ dạy từng ly, từng tí để truyền lại nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ con cháu. Theo bà Dương, nghề dệt truyền thống đã có từ lâu đời rồi nên cần phải lưu truyền, vì đó là văn hóa, bản sắc của dân tộc Thái. Nếu như để nghề mai một thì thật có lỗi với các thế hệ đi trước!
Tham gia vào tổ thêu dệt, sau gần 4 tháng học hỏi, chị Lò Thị Tươi đã thành thạo nghề; đến nay, chị đã làm được hơn 70 sản phẩm. Để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ được nhiều sản phẩm hơn, chị Tươi cùng thành viên tổ thêu dệt tích cực đăng tải hình ảnh sản phẩm lên các trang mạng xã hội.
Không chỉ góp phần phát triển du lịch, tăng thu nhập cho người dân, nghề dệt thổ cẩm còn thể hiện rõ nét bản sắc, tinh hoa văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái nơi đây. Đến với Phiêng Lơi, du khách không chỉ được thưởng thức những món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc Thái, đắm chìm trong điệu múa xòe mà còn thích thú trước các sản phẩm dệt thổ cẩm tinh hoa của người dân nơi đây.
Trưởng bản Phiêng Lơi Lường Văn Muôn cho biết: “Để phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống phù hợp với xu thế mới, trong năm 2022, bản sẽ khuyến khích bà con thực hiện đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, tiếp tục đẩy mạnh quảng bá trên các trang mạng xã hội. Cùng với đó, thực hiện trưng bày các sản phẩm dệt thổ cẩm tại khu vực nhà văn hóa bản để du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng và mua sắm”.