Ngân hàng thúc đẩy chuyển đổi số

08:50 - Thứ Năm, 10/02/2022 Lượt xem: 5338 In bài viết

Thúc đẩy chuyển đổi số trong bối cảnh dịch Covid-19 không ngừng diễn biến phức tạp tiếp tục được coi là mục tiêu quan trọng đối với các ngân hàng. Chỉ với chiếc điện thoại hoặc máy tính có kết nối internet, mọi giao dịch ngân hàng đều có thể thực hiện được, mang đến sự tiện lợi, hiệu quả cho cả khách hàng lẫn ngân hàng.

Khách hàng thực hiện giao dịch bằng hình thức quét mã QR tại cây ATM của Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã và đang có những chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách năng động, sáng tạo vào hoạt động kinh doanh. Đến nay, có 95% tổ chức tín dụng xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số. Trong đó, riêng tại 10 ngân hàng thương mại lớn, mức đầu tư cho chuyển đổi số ước tính lên đến 15.000 tỷ đồng/năm; chi phí đầu tư nguồn lực hoạt động chuyển đổi số trung bình chiếm 20-30% tổng chi phí đầu tư hoạt động.

"Công nghệ đã và đang mang lại những lợi ích về tự động hóa quy trình, nâng cao năng suất lao động, tăng trải nghiệm khách hàng, giảm thiểu chi phí vận hành cho các ngân hàng. Ðặc biệt, cuộc đua ngân hàng số cũng đang diễn ra khá sôi nổi tại Việt Nam. Dịch vụ ngân hàng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, kết hợp với các lĩnh vực, ngành nghề để xây dựng hệ sinh thái thông minh, toàn diện", ông Nguyễn Quốc Hùng cũng nhận định.

Tuy nhiên, trên thực tế, không cần phải chờ khi dịch Covid-19 bùng phát, các ngân hàng mới tập trung phát triển dịch vụ số mà trước đó, nhiều ngân hàng đã chạy đua với các dịch vụ này. Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) Phùng Duy Khương cho biết, VPBank đã thực hiện chiến lược chuyển đổi số toàn diện nhiều năm. Đến nay, 100% sản phẩm và dịch vụ của VPBank đều có thể được cung ứng qua các kênh số hóa để đem lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn. Tổng lượng giao dịch số trên các kênh của VPBank đã chiếm 98%. Tỷ lệ khách hàng mở thẻ mới thông qua kênh ngân hàng số cũng chiếm tới 83% tổng các kênh. Bên cạnh đó, hơn 80% dịch vụ chăm sóc khách hàng đã được VPBank giải quyết và cung cấp qua kênh tổng đài và các kênh trực tuyến khác.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB Ðỗ Quang Vinh cũng cho biết, quan điểm chuyển đổi số tại Ngân hàng SHB bắt nguồn từ chính trải nghiệm của khách hàng, dựa vào nhu cầu thực tế của khách hàng. Trong quá trình chuyển đổi số, SHB đã áp dụng phương pháp luận: Con người và sự tương tác quan trọng hơn quy trình và công cụ; giải pháp có giá trị tốt hơn một bộ tài liệu đầy đủ; hợp tác với khách hàng quan trọng hơn là chỉ đàm phán hợp đồng với khách hàng; ứng phó và phản hồi với các thay đổi hơn là thực hiện theo kế hoạch đã lập sẵn... Ðây chính là tiền đề để SHB triển khai công cuộc chuyển đổi số thành công.

Khẳng định hiệu quả cũng như quy mô của công cuộc chuyển đổi số tại các ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng mạnh hằng năm 90% về số lượng và 150% về giá trị. Nhiều ngân hàng đạt trên 90% giá trị giao dịch trên kênh số. Chỉ trong thời gian từ tháng 3 đến cuối năm 2021 đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở trực tuyến theo phương thức mới eKYC trong số hơn 100 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động tại Việt Nam.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi số, các công ty công nghệ tài chính (fintech) đang mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính truyền thống. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, có khoảng 72% các công ty công nghệ tài chính đã liên kết với các ngân hàng tại Việt Nam. Mức độ và quy mô hợp tác cũng không ngừng được mở rộng nhằm đưa ra các sản phẩm tài chính hiện đại, bắt kịp xu hướng toàn cầu. Chẳng hạn như Công ty cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến MoMo phối hợp cùng Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) ra mắt Ví trả sau. Theo đó, người dùng dễ dàng tiếp cận khoản vay 1-10 triệu đồng không cần chứng minh thu nhập.

Nhiều chuyên gia nhận định, thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng công nghệ tài chính tiềm năng như MoMo sẽ góp phần đưa ra các mô hình tiếp cận mới đối với khách hàng trên thị trường tài chính tại Việt Nam, đẩy mạnh phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam. Đây cũng là một bước tiến mới cho quá trình chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng.

P.V (theo HNM)
Bình luận
Back To Top