Tập trung chăm sóc lúa đông xuân

08:20 - Thứ Sáu, 11/02/2022 Lượt xem: 6215 In bài viết

ĐBP - Sau thời gian vui tết đón xuân, các địa phương đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa đông xuân. Vụ đông xuân năm 2021 - 2022, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy 9.670ha. Hiện nay, các trà lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Người dân xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) chăm sóc lúa đông xuân.

Ông Phạm Đình Lai, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện nay trên đồng ruộng bắt đầu xuất hiện các đối tượng như: Chuột, ốc bươu vàng, tuyến trùng rễ, nghẹt rễ gây hại nhẹ tại địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà, Mường Nhé, Điện Biên Đông và TX. Mường Lay. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố về việc chủ động phòng trừ, phòng bệnh hại lúa đông xuân; Chi cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản hướng dẫn phòng, chống sâu bệnh hại lúa đông xuân. Trong đó, lưu ý và quyết liệt triển khai các biện pháp phòng trừ đối với đối tượng sâu bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến quy trình phát triển và quyết định tới năng suất, sản lượng lúa đông xuân là bệnh đạo ôn lá. Đối với loại bệnh này, các địa phương cần vận động người dân bám sát đồng ruộng, cập nhật tình hình thời tiết, dự báo sinh vật gây hại. Đồng thời hướng dẫn nông dân phun phòng trừ kịp thời trên những diện tích chớm xuất hiện. Song song với công tác phòng trừ sâu bệnh, các địa phương cần tập trung hướng dẫn người dân tăng cường các biện pháp chăm sóc để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt chú ý việc đảm bảo điều tiết đủ nước cho đồng ruộng, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực hiện theo đúng nguyên tắc và quy trình kỹ thuật.

Nậm Pồ là huyện có lịch thời vụ gieo cấy vụ đông xuân sớm nhất tỉnh. Năm nay, toàn huyện gieo cấy 177,86ha lúa. Đến nay các trà lúa sớm đã tỉa dặm xong, các trà chính vụ và trà muộn người dân đang bắt đầu tỉa dặm và tăng cường các biện pháp chăm sóc để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Theo dự báo khí tượng thủy văn, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ xảy ra rét đậm, rét hại, do đó huyện Nậm Pồ đã điều chỉnh lịch thời vụ gieo cấy sớm để dịp tết Nguyên đán cây lúa đủ cứng cáp để chống chịu giá rét, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Hiện nay, UBND huyện đang chỉ đạo UBND các xã vận động, khuyến khích người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, đồng loạt ra đồng chăm sóc lúa đông xuân. Vụ xuân lúa “lấy nước làm áo” nên cần giữ mực nước nông đều khắp mặt ruộng giúp cây lúa đẻ nhánh tốt, đặc biệt lúa vừa cấy lại nhanh bén rễ hồi xanh; không được để ruộng khô hạn hoặc ngập úng. Đồng thời chủ động diệt ốc bươu vàng và cỏ dại; nếu thời tiết ấm, ốc sinh sản rất nhanh, gây hại cho lúa non. Số lượng ốc bươu ít thì dùng phương pháp thủ công (nhặt), nếu nhiều thì trộn thuốc diệt ốc bươu vàng với phân bón hoặc cát để vãi. Khi sử dụng thuốc, ruộng lúa phải có mực nước nông, tuyệt đối không để ruộng quá cạn hoặc quá nhiều nước sẽ gây hại cho lúa. Sau khi sử dụng thuốc xong phải giữ lớp nước đều khoảng 5 - 7 ngày để tăng hiệu lực của thuốc. Bên cạnh đó, sử dụng thêm các loại phân bón để thúc cây lúa sinh trưởng.

Sau thời gian nghỉ tết Nguyên đán, nông dân vùng lòng chảo Mường Thanh cũng đồng loạt ra đồng, chăm sóc lúa đông xuân, tập trung tỉa giặm đối với các trà lúa sớm và chính vụ.

Bà Nguyễn Thị Sen, thôn 1, xã Pom Lót (huyện Điện Biên) cho biết: Gia đình tôi đã hoàn thành gieo cấy trên 4.000m2 ruộng trước dịp nghỉ tết. Hiện nay, tôi đang tập trung tỉa dặm và thực hiện các biện pháp chăm sóc cây lúa theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã. Thời điểm nhiệt độ thấp, tôi đã áp dụng các biện pháp chống rét cho lúa như bón phân chuồng hoai mục kết hợp với tro bếp, điều tiết nước. Đối với sinh vật gây hại, tập trung phòng trừ 2 loại chính là chuột và bệnh đạo ôn lá. Để phòng chuột hại, tôi đã phát quang bờ ruộng, bờ mương, thu gom sạch tàn dư cây trồng, sử dụng các loại bẫy bả… Bệnh đạo ôn lá thường xuất hiện đầu tháng 2, xu hướng lây lan diện rộng trên các giống lúa như: Bắc thơm số 7, séng cù, đài thơm 8. Do đó khoảng thời gian này tôi thường xuyên đi thăm đồng, khi phát hiện lúa nhiễm bệnh lập tức phun phòng trừ kịp thời.

Lúa lẫn là vấn đề nhức nhối trong sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại huyện Điện Biên trong những năm qua. Chính vì vậy, việc hướng dẫn người dân loại bỏ lúa lẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện Điện Biên trong giai đoạn sau gieo cấy khoảng 15 - 20 ngày.

Ông Phạm Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: Đây là giai đoạn rất quan trọng bởi dễ phát hiện và khử lúa lẫn, bà con nông dân cần tập trung nhân công nhổ triệt để các cây khác dạng xuất hiện trên ruộng giống và kết thúc sớm trong 2 - 3 ngày. Vì nếu khử lẫn kéo dài lúa đẻ nhánh mạnh phủ kín đất khó nhìn thấy cây khác dạng. Khi khử lẫn bà con nên đi theo băng, nhổ hết cây khác dạng và thu gom, tránh bỏ lại ở mương và lối đi ruộng giống vì cây khác dạng sẽ tiếp tục phát triển ảnh hưởng độ thuần ruộng giống sau này. Nếu có cỏ dại xuất hiện ở giai đoạn này thì phải nhổ bằng tay, tuyệt đối không được xử lý bằng thuốc bảo vệ thực vật.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top