ĐBP - Năm 2019, UBND tỉnh ban hành kế hoạch rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023, nhằm hoàn chỉnh hồ sơ về giao đất, giao rừng cho diện tích rừng đã giao cho các chủ rừng; hoàn chỉnh hồ sơ về giao đất, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp có rừng và chưa có rừng.
Sau 2 năm triển khai thực hiện, các huyện, thị xã, thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị; phê duyệt phương án thiết kế kỹ thuật - dự toán kinh phí và kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện.
Đến nay toàn tỉnh thực hiện giao đất, giao rừng, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp cho 2.204 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với tổng diện tích hơn 28.700ha. Đối với đất lâm nghiệp có rừng đã thực hiện 333.921ha trên tổng số 409.835ha rừng hiện có. Toàn tỉnh có 5/10 huyện, thị xã, thành phố tổ chức giao đất, giao rừng, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp có rừng với tổng diện tích 26.864ha. Đối với đất lâm nghiệp chưa có rừng đã thực hiện giao hơn 19.000ha trên tổng số 283.918ha (đạt 6,7%); có 2/10 huyện, thị xã, thành phố tổ chức giao đất, giao rừng, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp cho 1.328 hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư với diện tích 1.914ha. Kết quả này là chậm so với yêu cầu đặt ra. Đến nay phần lớn công tác giao đất, giao rừng, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp mới triển khai thực hiện đối với diện tích đất lâm nghiệp có rừng, còn diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng triển khai chậm hoặc chưa triển khai, chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch và chỉ đạo của tỉnh.
Khó khăn chung tại các địa phương là do công tác quản lý bảo vệ rừng của một số chủ rừng còn mang tính hình thức, chưa thực sự vào cuộc, vẫn còn tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép; một số diện tích đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ không tập trung khó khăn trong quá trình rà soát, khoanh vẽ. Cuộc sống của một bộ phận dân cư chủ yếu phụ thuộc vào làm nương nên còn gặp nhiều khó khăn khi tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của người dân khi được nhà nước giao đất, giao rừng đối với những diện tích đất nương luân canh bỏ hoang nay đã phát triển thành rừng. Trong quá trình rà soát để giao rừng thì một số chủ rừng đề nghị để sản xuất nông nghiệp luân canh. Ranh giới quy hoạch 3 loại rừng chưa được cắm mốc xác định, gây khó khăn trong công tác phân định ranh giới rừng; một số hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang quản lý bảo vệ rừng nhưng không có hộ khẩu thường trú tại xã có rừng và đất rừng, gây khó khăn trong việc giao rừng và đất rừng theo quy định.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì vẫn còn những nguyên nhân chủ quan. Đó là công tác triển khai giao đất, giao rừng, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp trên địa bàn một số huyện chưa thực sự quyết liệt, việc phân công nhiệm vụ còn chồng chéo, chưa thống nhất. Nguồn nhân lực triển khai giao đất, giao rừng, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp còn hạn chế (đặc biệt là số cán bộ có năng lực để thực hiện tuyên truyền, kiểm tra, giám sát) dẫn đến một số sai sót trong triển khai thực hiện.
Để thực hiện đúng kế hoạch, thời gian tới Sở Tài Nguyên và Môi trường phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khẩn trương nghiên cứu, có hướng dẫn cụ thể về phương pháp, cách làm. Thường xuyên trao đổi thông tin với UBND cấp huyện để nắm bắt tình hình triển khai thực hiện giao đất, giao rừng, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp trên địa bàn. Đối vối chính quyền cấp huyện, cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong quá trình quản lý, bảo vệ phát triển lâm nghiệp. Chủ động bố trí kinh phí (phần ngân sách huyện đảm bảo) từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành và các nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện giao đất, giao rừng, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp trên địa bàn. Từ đó góp phần quản lý rừng hiệu quả, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế, thu nhập của người dân.