ĐBP - Với nhiều tiềm năng về đất đai, nguồn thức ăn, lao động... thời gian qua ngành Nông nghiệp tỉnh đã định hướng, hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
Hiệu quả tích cực
Trước đây, do kinh tế gia đình khó khăn, thiếu vốn nên ông Sặn Văn Phú, bản Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) chỉ nuôi 1 - 2 con trâu, bò lấy sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau đó, nhận thấy chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế nên ông Phú mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua trâu, dê giống về nuôi... Hiện nay, ông đã phát triển đàn vật nuôi gồm 4 con trâu, gần 30 con dê và hàng trăm gia cầm các loại.
Ông Sặn Văn Phú chia sẻ: “Tôi tích cực học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học, kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh nên đàn vật nuôi của gia đình phát triển tốt. Mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi khoảng 60 - 70 triệu đồng. Tôi dự định tích lũy thêm vốn để mở rộng mô hình chăn nuôi thành trang trại, phát triển đàn gia súc, gia cầm”.
Năm 2018, thông qua Hội Nông dân thị trấn, chị Lò Thị Cợi, thôn Huổi Lực, thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư mua trâu, bò gầy yếu về nuôi vỗ béo. Sau vài tháng chăm sóc, những con trâu, bò gầy yếu đã tăng lên hàng chục ki lô gam, mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi lứa. Đến nay chị Cợi đã duy trì mô hình chăn nuôi này được 3 năm, trung bình mỗi năm chị nuôi vỗ béo 30 con trâu, bò, chia 3 lứa nuôi gối nhau, mỗi lứa khoảng 8 - 10 con. Ngoài ra, chị Cợi còn đào 1 ao cá 3.000m2; trồng 7.000m2 cỏ voi để có nguồn thức ăn xanh cho vật nuôi. Mô hình chăn nuôi của chị cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm.
Định hướng phát triển bền vững
Mặc dù có nhiều tiềm năng và bước đầu đã có những kết quả tích cực, song ngành chăn nuôi tỉnh ta vẫn đứng trước nhiều nguy cơ từ dịch bệnh, thị trường thiếu bền vững. Từ năm 2019 đến nay, dịch tả lợn châu Phi nhiều lần tái phát trên diện rộng làm hàng nghìn con lợn mắc bệnh, phải tiêu hủy. Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh lần đầu tiên bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò xảy ra đã làm nhiều gia súc mắc bệnh và chết... Bên cạnh đó ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến sản xuất đình trệ; các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể đóng cửa trong thời gian dài; việc đi lại, giao thương hạn chế, ảnh hưởng tới sức tiêu thụ sản phẩm... Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chăn nuôi tập trung, giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi còn hạn chế.
Bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống là đẩy mạnh liên kết giữa các hộ sản xuất thông qua thành lập tổ hợp tác và hợp tác xã nhằm tạo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ các đơn vị sản xuất về đất đai, vay vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu, gắn tem, nhãn mác sản phẩm. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên phát triển đàn gia súc ăn cỏ với tốc độ bình quân khoảng 3%/năm; trọng tâm nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất gia tăng vật nuôi, thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt; đàn trâu tăng bình quân 1,4%/năm; đàn bò tăng bình quân 4,5%/năm; đàn dê tăng bình quân 2,9%/năm... Đến năm 2030, tổng đàn trâu, bò, dê khoảng 376.000 con. Để hoàn thành mục tiêu đó, thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh rà soát, bổ sung, điều chỉnh những vùng có thế mạnh để phát triển gia súc ăn cỏ theo hướng hàng hóa; phát triển các vùng trồng cỏ thức ăn cho gia súc. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng con giống thông qua bình tuyển, chọn lọc trâu, bò giống tốt; cải tạo giống thông qua thụ tinh nhân tạo. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm...