Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật năm 2022

13:10 - Thứ Sáu, 11/02/2022 Lượt xem: 3784 In bài viết

ĐBP - Ngày 11/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Năm 2021, ngành nông nghiệp, chính quyền các cấp cơ bản kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật trên cạn, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển. Trong năm dịch cúm gia cầm xảy ra tại 125 xã thuộc 33 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 457 nghìn con gia cầm; dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 3.154 xã thuộc 60 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 289 nghìn con lợn; bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 4.349 xã thuộc 55 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 29.100 con gia súc; bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 89 xã thuộc 18 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 349 con gia súc.

Đối với phát triển thủy sản, năm 2021 mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản tiếp tục được kiểm soát, không để các bệnh nguy hiểm, bệnh mới xâm nhập trong nước. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn quốc bị dịch bệnh là 5.608ha (giảm 33% so với cùng kỳ); tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là 21.190ha (giảm 54%).

Từ năm 2021 đến nay, Cục Thú y và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 316 cơ sở, vùng chăn nuôi; lũy kế đến nay toàn quốc có hơn 3.700 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 52 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Từ nhận định nguy cơ bùng phát dịch bệnh đối với động vật trên cạn, thủy sản tại các địa phương, năm 2022 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh đối với động vật trên cạn, thủy sản. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo Luật Thú y; tiếp tục rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng dịch trên đàn vật nuôi, đảm bảo tối thiểu trên 80% tổng đàn. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh.

Tin, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top