Gỡ khó cho các dự án trồng mắc ca

11:02 - Thứ Ba, 22/03/2022 Lượt xem: 4888 In bài viết

ĐBP - Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 dự án trồng cây mắc ca đã được Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý về chủ trương, được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 9.271 tỷ đồng, quy mô trồng tập trung 52.915ha. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư đã trồng được 3.449ha cây mắc ca. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện các dự án trồng mắc ca, nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra Dự án trồng cây mắc ca kết hợp với trồng rừng, dược liệu và xây dựng khu chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông (huyện Điện Biên).

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc đầu tư thực hiện Dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé và Nậm Pồ. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2018 và điều chỉnh vào tháng 10/2021 với tổng mức đầu tư 2.734 tỷ đồng, quy mô trồng tập trung 20.000ha cây mắc ca trên địa bàn 11 xã thuộc huyện Mường Nhé và 8 xã của huyện Nậm Pồ (Si Pa Phìn, Phìn Hồ, Chà Nưa, Chà Cang, Chà Tở, Nậm Khăn, Pa Tần, Nậm Tin). Tại huyện Mường Nhé, Công ty đã đo đạc, quy chủ, giải phóng mặt bằng được 2.084ha tại các xã: Sín Thầu, Sen Thượng và Leng Su Sìn. Hiện đã trồng 600ha cây mắc ca tại các bản: Sen Thượng, Long San, Chiếu Sừng (xã Sen Thượng), đạt 6% so với quy mô dự án được phê duyệt. Công ty đã tạo việc làm cho hơn 250 lao động (100 lao động thường xuyên, 150 lao động mùa vụ) chủ yếu là đồng bào các dân tộc trong vùng dự án với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng; lao động thời vụ (3 đợt/năm, mỗi đợt từ 30 - 60 ngày) 200.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên do khu vực triển khai dự án người dân đều là đồng bào dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp, không đồng đều; mức độ tiếp cận khoa học kỹ thuật ít, chưa nhận thức đầy đủ về giá trị của cây mắc ca, định hướng cơ chế, chính sách của tỉnh, lợi ích khi thực hiện các dự án trồng cây mắc ca nên việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện dự án cũng như áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca gặp nhiều khó khăn.

Tương tự dự án trồng mắc ca tại Mường Nhé và Nậm Pồ, Dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ do Công ty Cổ phần Liên Việt làm chủ đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, liên quan tới nhận thức của người dân cũng như định hướng cơ chế, chính sách của tỉnh. Dự án này được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 8/2021 với tổng mức đầu tư 1.313 tỷ đồng, quy mô trồng 6.833ha cây mắc ca trên địa bàn các xã: Hua Thanh, Mường Pồn (huyện Điện Biên), xã Nà Nhạn (TP. Điện Biên Phủ). Sau khi dự án được phê duyệt, Công ty đã tổ chức 2 hội nghị cấp huyện, 3 hội nghị cấp xã (các xã vùng dự án) để tuyên truyền cơ chế, chính sách phát triển cây mắc ca của tỉnh và giới thiệu cơ chế, chính sách thực hiện dự án. Công ty cũng phối hợp với các tổ hỗ trợ tổ chức tuyên truyền đến người dân trong vùng dự án về cơ chế, chính sách của dự án, quyền lợi của người dân khi tham gia thực hiện dự án để người dân đồng thuận tham gia dự án. Song tại một số bản vùng dự án, người dân có nhiều ý kiến khác nhau (hộ đồng thuận, hộ chưa đồng thuận) nên công tác tuyên truyền, vận động gặp rất nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian. Đến nay Công ty mới thực hiện đo đạc được khoảng 200ha/6.833ha (xã Nà Nhạn 130ha, Mường Pồn 70ha).

Dự án trồng cây mắc ca kết hợp với trồng rừng, dược liệu và xây dựng khu chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông của Công ty TNHH Mắc ca Mường Then Điện Biên hiện đã thực hiện xong đo đạc, quy chủ đất đai tại 5/6 bản với tổng diện tích gần 2.890,7/3.508,6ha (chiếm 82,39%) đất trong vùng dự án. Trong đó, diện tích đo đạc để làm thủ tục cho nhà đầu tư thuê là 1.175,68ha; diện tích hỗ trợ người dân đo đạc, quy chủ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân vùng dự án theo hạn mức là 1.715ha. Công ty đã được UBND tỉnh cho thuê 541,1ha đất và thực hiện hỗ trợ 180 hộ dân 3 bản (Na Hạ, Huổi Canh và Pá Chả) trong vùng dự án hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay, Công ty đã trồng 358ha cây mắc ca (đạt 10,2% so với tổng quy mô dự án). Hiện tại, Công ty đang làm đất để dự kiến thực hiện trồng khoảng 500ha cây mắc ca trong mùa vụ trồng rừng năm 2022. Công ty đang tiếp tục lập hồ sơ xin thuê 500ha đất và hỗ trợ 67 hộ dân hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 335ha. Công ty đã tuyển dụng 30 lao động thường xuyên với mức lương bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng và sử dụng 300 lao động thời vụ (được Công ty trả công 200.000 đồng/ngày công lao động).

Xét tổng thể tiến độ triển khai thực hiện dự án trồng mắc ca tại xã Phu Luông gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến một số hộ dân chưa đồng thuận với chủ trương đầu tư dự án. Sau khi được UBND tỉnh cho thuê đất, Công ty TNHH Mắc ca Mường Then Điện Biên đã triển khai trồng cây mắc ca trên diện tích đất được cho thuê nhưng người dân tại bản C5 chưa đồng thuận. Công ty đang thực hiện đo đạc, quy chủ, hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất để lập hồ sơ xin thuê đất tại 4 bản (Huổi Cảnh, Lọong Ngua, Pá Chả, C5). Tuy nhiên, một số hộ dân chưa đồng ý nhận chi phí hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất và trả lại đất cho Nhà nước để thu hồi cho doanh nghiệp thuê. Ngoài ra, khu vực suối Nặm Ma còn khoảng 500ha nằm trong vùng dự án (là khu vực làm nương, bãi chăn thả của người dân các bản Huổi Cảnh, Pá Chả, Loong Ngua) đa số các hộ dân chưa đồng ý cho Công ty thực hiện công tác đo đạc, quy chủ đất đai; đồng thời, giữa một số hộ dân còn tranh chấp đất đai nên chưa thể thực hiện công tác đo đạc, quy chủ.

Thực tế hiện nay, hầu hết các dự án trồng cây mắc ca triển khai thực hiện ở các xã đặc biệt khó khăn, người dân ít được tiếp cận khoa học kỹ thuật, chưa nhận thức đầy đủ nên còn tình trạng người dân chưa ủng hộ, tham gia thực hiện dự án. Chính vì vậy công tác tuyên truyền, vận động cần được đẩy mạnh để bà con hiểu, đồng thuận với chủ trương và định hướng về cơ chế, chính sách của tỉnh đối với các dự án trồng cây mắc ca cũng như lợi ích khi tham gia liên kết, hợp tác với nhà đầu tư thực hiện dự án.

Về phía nhà đầu tư dự án trồng cây mắc ca cũng cần khẩn trương hoàn thiện dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, lấy ý kiến thẩm định các sở chuyên ngành và các địa phương có liên quan, tổ chức phê duyệt dự án và hoàn thiện thủ tục về đất đai trước khi triển khai thực hiện. Chủ động cân đối, huy động các nguồn lực, đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền cấp huyện nơi triển khai dự án đảm bảo tuân thủ theo đúng các nội dung trong đề xuất dự án đầu tư; phương thức, cơ chế, chính sách hợp tác, liên kết trồng mắc ca với người dân trong vùng dự án để các dự án trồng mắc ca triển khai thực hiện thuận lợi, hiệu quả.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận

Tin khác

Back To Top