Phát triển giao thông nông thôn

07:45 - Thứ Tư, 23/03/2022 Lượt xem: 3859 In bài viết

ĐBP - Xác định mạng lưới giao thông nông thôn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, những năm qua chính quyền các cấp đã quan tâm, ưu tiên các nguồn vốn để triển khai xây dựng các tuyến giao thông nông thôn, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Những năm gần đây, các địa phương ưu tiên vốn phát triển giao thông. Trong ảnh: Tuyến đường giao thông nội đồng phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy sản xuất.

Ưu tiên phát triển hệ thống giao thông nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xã Mường Pồn, huyện Điện Biên quan tâm đầu tư trong nhiều năm qua. Ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn cho biết: Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, người dân trong xã đã tích cực đóng góp công sức, tiền của để bê tông hóa các tuyến đường. Trong giai đoạn 2016 - 2020, một số bản đã đóng góp lớn như: Bản Lĩnh góp 122,8 triệu đồng và 186 công lao động; bản Cò Chạy 2 góp 54 triệu đồng và 210 công; bản Huổi Chan 1 góp 181 triệu đồng và 120 ngày công… thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, trong đó chủ yếu làm đường giao thông nông thôn. Riêng năm 2020, các bản trên địa bàn xã đã đóng góp gần 700 triệu đồng và gần 900 công lao động để xây dựng các công trình giao thông, hạ tầng. Điển hình như bản Mường Pồn 1 đã huy động 180 triệu đồng để mở rộng đường nội bản lên 2,5m (thiết kế của Nhà nước hỗ trợ là 2m). Đến nay đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện của xã Mường Pồn đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa 44/56km. Tỷ lệ đường trục thôn, bản và đường liên thôn, bản đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 81,3%; tỷ lệ đường trục thôn, bản và đường liên thôn, bản được cứng hóa đạt 47,15%; đã thực hiện bê tông hóa 7,1/13,1km, đường ngõ xóm, 6km còn lại thường xuyên được tu bổ để không lầy lội vào mùa mưa. Đường trục chính nội đồng của xã cũng là các tuyến đường trục thôn, bản nên đã được cứng hóa đảm bảo thuận tiện quanh năm. Nhìn chung, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy giao thương hàng hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương.

Không riêng xã Mường Pồn, những năm qua với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, phong trào làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã huy động người dân góp công sức, tiền của để hoàn thành các tuyến đường, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Qua đó góp phần tích cực thay đổi diện mạo của các xã, từng bước tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Tính đến hết năm 2021, đường liên xã toàn tỉnh có tổng chiều dài 2.848km. Trong đó mặt đường bê tông xi măng 726,2km; mặt đường đá dăm láng nhựa 213,3km; mặt đường cấp phối 471,7km; mặt đường đất dài 1.436,9km. Tổng số đường thôn xóm dài 2.395,7km. Trong đó mặt đường bê tông xi măng 812,9km; mặt đường đá dăm láng nhựa 27,4km; mặt đường cấp phối 162,4km; mặt đường đất 1.393km.

Năm 2021, lồng ghép từ các nguồn vốn khác nhau, các huyện trong tỉnh đã triển khai thực hiện 80 công trình giao thông, trong đó làm mới 53,201km với tổng kinh phí 107,165 tỷ đồng; nâng cấp, sửa chữa 98,892km với tổng kinh phí 129,471 tỷ đồng. Đến nay, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm; trong đó 109 xã có đường ô tô đến trung tâm đảm bảo đi lại quanh năm và 6 xã đi được mùa khô. Hiện nay toàn tỉnh có 62 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông (đạt 53,91%), tăng 8 xã so với năm 2020. Thời gian tới, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn; thu hút đầu tư, chú trọng công tác xã hội hoá, vận động người dân góp công sức, tiền của để từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top