ĐBP - Những năm qua huyện Tuần Giáo đã chú trọng công tác quản lý, vận hành và phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi. Huyện đã huy động các nguồn vốn để duy tu, sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi, đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp.
Theo thống kê, tổng số công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn huyện Tuần Giáo là 193. Trong đó, huyện quản lý 183 công trình thủy lợi nhỏ và phai tạm; Công ty TNHH Quản lý thủy nông quản lý 10 công trình. Tổng số kênh 188,45km (kênh kiên cố 123,57km; kênh đất 64,88km). Các công trình thủy lợi đảm bảo tưới nước cho 3.172,26ha (1.125,49ha lúa chiêm; 1.754,92ha lúa mùa; 291,85ha thủy sản). Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), huyện hiện có 63 công trình thủy lợi hoạt động tốt; 123 công trình hoạt động trung bình... Nhờ làm tốt công tác quản lý, duy tu, sửa chữa, huyện Tuần Giáo đã cơ bản khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi; không chỉ đáp ứng nước phục vụ sản xuất lúa, mà còn chủ động nước tưới tiêu cho cây ăn quả, rau màu, góp phần tăng thu nhập cho người dân; đặc biệt giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đưa tổng sản lượng lương thực toàn huyện năm 2021 đạt 39.194,5 tấn.
Quài Cang là một trong những xã có nhiều công trình thủy lợi nhất trên địa bàn huyện Tuần Giáo. Hiện toàn xã có hơn 40 công trình thủy lợi, phục vụ tưới tiêu cho hơn 250ha lúa 2 vụ và các ao, hồ, rau màu... Ông Lò Văn Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Cang cho biết: “Việc đầu tư và đưa vào khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn trong những năm qua cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Để đảm bảo quản lý, sử dụng hiệu quả các công trình, xã thành lập các tổ quản lý, vận hành và bảo vệ công trình thủy lợi, thường xuyên kiểm tra, hót sạt bùn đất trên các tuyến kênh mương, đảm bảo nguồn nước thông suốt. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ UBND xã thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá các công trình thủy lợi; xây dựng kế hoạch, huy động nhân dân các bản tham gia khắc phục, sửa chữa những điểm xung yếu, sụt sạt trong khả năng và điều kiện về kinh tế của địa phương”.
Cùng với khai thác hiệu quả công trình thủy lợi, huyện Tuần Giáo đã chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập tổ quản lý, hợp tác xã thực hiện vận hành, bảo vệ an toàn công trình thủy lợi trong phạm vi phụ trách tưới tiêu. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức bảo vệ công trình và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tích cực tham gia tu sửa, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, phát dọn cỏ, cây dọc tuyến kênh và đầu mối đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ công trình, ngăn chặn, phòng, chống các hành vi xâm hại hoặc phá hoại công trình, hành lang công trình thủy lợi. Theo thống kê, hiện số công trình đã có tổ chức quản lý, khai thác (công ty, hợp tác xã) là 126 công trình; 53 công trình có tổ hợp tác bản quản lý; 14 công trình có tổ quản lý thôn, bản tự thành lập.
Ông Trần Khoa Phương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuần Giáo cho biết: Để phát huy hiệu quả công trình thủy lợi, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền triển khai Luật Thuỷ lợi và các văn bản hướng dẫn; nâng cao ý thức trách nhiệm, vai trò quản lý của chính quyền địa phương, các tổ chức thuỷ lợi cơ sở (HTX, tổ hợp tác…) và vai trò của người dân trong quản lý, khai thác, bảo vệ, vận hành, sử dụng hiệu quả, bền vững các công trình thủy lợi trên địa bàn. Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị quản lý công trình chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống lụt bão, chống hạn và kế hoạch tưới, tiêu phục vụ sản xuất hợp lý, ưu tiên tưới nước cho những diện tích thiếu nước; rà soát, thành lập, củng cố, kiện toàn các tổ chức thủy lợi cơ sở để quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng hoạt động hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư và ưu tiên bố trí để đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi từ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025: Xây dựng mới 6 công trình với tổng diện tích tưới khoảng 30ha; sửa chữa nâng cấp 16 công trình đảm bảo cấp nước ổn định cho khoảng 147ha; kiên cố hóa 5 tuyến kênh nội đồng đảm bảo cấp nước ổn định cho khoảng 56ha. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất lúa và cây trồng, tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.