Gỡ khó, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

18:38 - Thứ Năm, 24/03/2022 Lượt xem: 3735 In bài viết

ĐBP - Ngày 24/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với chủ đề "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội".

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến đầu năm 2021 Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 94 DNNN quy mô lớn gồm: 9 tập đoàn kinh tế, 67 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con. Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm 31/12/2020) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn (khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh).

Quy mô tài sản bình quân của 1 DNNN là 6.095 tỷ đồng, cao gấp 18 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 139 lần doanh nghiệp dân doanh. Nhiều DNNN đã xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có uy tín, có  ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế về nhiều lĩnh vực như: dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, cảng biển và logistic… Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 10,46%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân là 4,87%, cao hơn khối doanh nghiệp ngoài nhà nước (1,26%).

Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng DNNN đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Xét về hiệu quả sử dụng lao động, các DNNN thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Mức thu nhập bình quân của một lao động tại các DNNN trong năm 2020 đạt khoảng 20 triệu đồng/tháng. Các DNNN của Việt Nam đang chiếm thị phần rất lớn trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, ngân hàng… đóng góp hơn 29% GDP của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: Cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực DNNN; những vướng mắc, hạn chế trong chính doanh nghiệp để từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Trên cơ sở gợi ý của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, các tập đoàn, công ty, DNNN đã tập trung thảo luận, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và kiến nghị các giải pháp khắc phục trong thời gian tới như: DNNN quy mô lớn chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, thúc đẩy các thành phần khác phát triển; thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng; hiệu quả của DNNN nói chung và DNNN quy mô lớn nói riêng chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; khả năng cạnh tranh, nhất là cạnh tranh quốc tế của DNNN đã có cải thiện nhưng vẫn chưa đạt kết quả rõ nét; năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp quy mô lớn còn hạn chế…

Để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải tham mưu cho Nhà nước tạo hệ sinh thái, môi trường kinh doanh và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về cơ chế để DNNN phát triển nhanh, bền vững. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần đẩy mạnh huy động nguồn lực của DNNN tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với DNNN, doanh nghiệp có góp vốn của Nhà nước và đổi mới cơ chế, chính sách để DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường; thúc đẩy vai trò giám sát của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Đối với DNNN phải chủ động tham gia phát triển đất nước, góp phần đắc lực vào xây dựng thể chế, cơ chế thị trường; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước. DNNN cần khẳng định vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đóng vai trò mở đường, dẫn dắt trong nền kinh tế.

Tin, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top