Chế biến nông sản thời dịch bệnh

07:57 - Thứ Sáu, 25/03/2022 Lượt xem: 6960 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài khiến nhiều ngành nghề kinh doanh chịu tác động tiêu cực, sản xuất tạm dừng hoặc cầm chừng. Tuy nhiên nghề chế biến nông sản thực phẩm như: Bún khô, miến dong, bánh đa trên địa bàn tỉnh lại duy trì, phát triển do nhu cầu tích trữ lương thực chế biến sẵn tăng tại địa bàn khi có dịch.

Người dân xã Thanh An, huyện Điện Biên phơi miến dong.

Dù đã quá trưa song không khí lao động tại cơ sở chế biến miến dong của chị Đinh Nhung, thôn Hoàng Công Chất, xã Thanh An (huyện Điện Biên) vẫn tất bật. Tranh thủ trời nắng để lật những tấm phên miến dong, chị Nhung cho biết: “Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, người dân đều hạn chế đến những nơi đông người, ít ăn tại các hàng quán nhằm phòng ngừa dịch bệnh. Do vậy, nhu cầu sử dụng các sản phẩm có thể dự trữ, bảo quản quanh năm như: Bún khô, bánh đa, miến dong đều tăng. Trước đây, cơ sở của gia đình chủ yếu chỉ sản xuất theo mùa vụ thì nay đã sản xuất quanh năm với 10 nhân công thường xuyên”.

 Với hệ thống máy móc hiện đại công suất 1 tấn/ngày, trung bình mỗi tháng gia đình chị Nhung sản xuất khoảng 30 tấn miến thành phẩm, sản phẩm làm ra được các thương lái đến tận nơi thu mua và phân phối đến các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn tỉnh. Trừ chi phí, gia đình chị đã có thu nhập ổn định khoảng 300 triệu đồng/năm.

Anh Chu Văn Nhàn, Trưởng thôn Hoàng Công Chất cho biết: Nhiều năm qua, nghề chế biến miến dong, miến gạo, bún khô của thôn được duy trì và phát triển. Trước đây, các hộ dân sản xuất theo thời vụ thì nay hầu hết đã đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại làm thường xuyên. Hiện nay thôn có 6 hộ dân có cơ sở chế biến với quy mô lớn, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Những ngày nắng ráo là thời điểm thuận lợi để phơi sản phẩm, các cơ sở vừa sản xuất, vừa bán vài chục tấn miến dong, miến gạo các loại. Khách hàng truyền thống tự tìm đến tận nơi thu mua; còn khách lẻ hoặc ở những nơi có dịch hạn chế đi lại thì đặt hàng qua mạng internet và được chuyển tận tơi.

Không chỉ ở xã Thanh An, nghề chế biến nông sản thực phẩm còn được duy trì, phát triển ở nhiều địa bàn khác tại huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ như: Thanh Luông, Nà Tấu, Mường Phăng. Miến dong, bánh đa, bún khô của các cơ sở chế biến trong tỉnh được đánh giá có chất lượng cao do được sản xuất với quy trình an toàn, đảm bảo kỹ thuật; sản xuất từ nguồn nguyên liệu địa phương, đặc biệt là củ dong trồng tại một số xã vùng cao của TP. Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều sản phẩm đã được hỗ trợ hoàn thiện đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chí OCOP... Tiêu biểu như sản phẩm miến dong Hồng Phước của HTX Hồng Phước (xã Nà Tấu, huyện Điện Biên) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2020 nên thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng; bún, miến, phở khô của HTX Nông sản thực phẩm Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố năm 2017... Các sản phẩm chế biến tại địa phương đã tham gia vào các kênh phân phối tiêu thụ, được bày bán từ chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa cho đến các siêu thị (Hoa Ba, Tâm Đỏ) trên địa bàn tỉnh. Hiện đang từng bước mở rộng thị trường tại một số tỉnh, thành trên cả nước.

Nhanh chóng thích ứng với nhu cầu thị trường, các hộ dân, hợp tác xã sản xuất bún khô, miến, bánh đa trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt cơ hội nâng cao giá trị nông sản, mở rộng thị trường trong điều kiện dịch bệnh khó khăn. Để tiếp tục duy trì sản xuất, giữ vững thị trường đã có, các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương cần tiếp tục hỗ trợ người dân trong việc tổ chức sản xuất, hoàn thiện sản phẩm cả về chất lượng và bao bì, tăng cường liên kết, kết nối thị trường.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top