ĐBP - Với tiềm năng đất đai mầu mỡ, nguồn nước tưới dồi dào, những năm gần đây, nông dân huyện Tuần Giáo đã và đang đẩy mạnh phát triển diện tích trồng rau màu. Việc này đã tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế, phù hợp theo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống nhân dân.
Phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, những năm qua huyện Tuần Giáo đã và đang tập trung phát triển cây rau màu theo hướng hàng hóa. Huyện đã khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyên canh, tăng vụ nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, nâng cao thu nhập. Đồng thời, hàng năm UBND huyện yêu cầu các xã quy hoạch chi tiết về: Diện tích chuyển đổi, hệ thống thủy lợi, loại cây trồng... trên cơ sở đó có kế hoạch xây dựng mô hình mẫu hướng dẫn nhân dân triển khai, hỗ trợ về giống, khoa học kỹ thuật; tập trung và phát triển cây rau màu ngắn ngày, giá trị kinh tế cao (dưa leo, hành, tỏi, bí xanh, ớt). Theo thống kê, toàn huyện Tuần Giáo hiện đã gieo trồng được 165ha rau màu các loại, năng suất đạt 259 tạ/ha, sản lượng đạt 4.274 tấn, chủ yếu ở các xã: Quài Cang, Quài Nưa, Quài Tở...
Tại xã Quài Cang, để hỗ trợ phụ nữ phát triển rau màu, từ tháng 2/2021 xã đã phối hợp với nhóm cựu sinh viên Úc của Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai Dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất rau theo hướng thị trường nhằm tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ Thái xã Quài Cang” thu hút 20 hộ dân tại bản Cuông tham gia. Chị Lường Thị Ninh, cán bộ khuyến nông xã Quài Cang chia sẻ: Dự án được triển khai thành 2 vụ. Trong đó, vụ xuân hè từ tháng 4 - 7/2021, diện tích 3.000m2 (300m2/hộ). Vụ thu từ cuối tháng 8 - 12/2021, diện tích 5.800m2, gồm 3 loại cây trồng: Bắp cải 13 hộ, diện tích 3.900m2, năng suất trung bình đạt 58kg/m2, sản lượng thu 2.270kg, đơn giá 8.000 đồng/kg; cải thảo 2 hộ, diện tích 600m2, năng suất trung bình đạt 67kg/m2, sản lượng thu 400kg, đơn giá 8.000 đồng/kg... Dự án đã góp phần hướng dẫn, hỗ trợ các hộ tham gia áp dụng kỹ thuật xử lý đất trước khi trồng, chăm bón cây theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển theo hướng sản xuất rau an toàn hướng đến sản xuất rau hữu cơ.
Không chỉ ở Quài Cang, mà hiện tại các xã trên địa bàn huyện Tuần Giáo bà con tận dụng diện tích đất ruộng, vườn để trồng cây rau màu. Đối với diện tích đất vườn cạnh nhà, bà con trồng luân phiên các loại rau xanh. Gia đình bà Cà Thị Chiến, bản Nong Tấu, thị trấn Tuần Giáo đã cải tạo 2.000m2 đất bạc màu, năng suất thấp để trồng rau màu (cà chua, đỗ, rau các loại...); mỗi năm từ 3 - 4 vụ; mang lại thu nhập từ 200 - 300 nghìn đồng/ngày. Bà Chiến chia sẻ: “Để phát triển diện tích rau màu, tôi đã áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tận dụng diện tích đất trồng rau xanh, chuyên canh, gối vụ các loại rau màu thay cho bỏ hoang đất trước đây. Tiền bán rau giúp gia đình tôi tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Huyện Tuần Giáo định hướng tiếp tục triển khai phát triển rau màu theo hướng phục vụ thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày và một phần tiêu thụ tại thị trường trong huyện (các chợ, các cụm, điểm dân cư...); tổng diện tích rau màu khoảng 600ha. Đặc biệt, một số loại rau màu phát triển theo hướng tạo ra sản phẩm hàng hóa gồm: Rau cải các loại, rau ăn lá, bắp cải, súp lơ... Ông Trần Khoa Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Để phát triển rau màu, thời gian tới Phòng sẽ tham mưu cho huyện tiến hành rà soát, quy hoạch, định hướng một số vùng, địa bàn phát triển rau màu tập trung theo hướng chuyên canh, ưu tiên phát triển trên diện tích ruộng 1 vụ và phát triển rau màu vụ đông (tập trung tại xã Quài Cang, Quài Nưa), khu vực gần nguồn nước sạch, gần nơi tiêu thụ. Đồng thời, phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cách trồng rau sạch, an toàn cho nông dân; tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong phát triển rau màu; đặc biệt là áp dụng các tiêu chuẩn trồng rau an toàn trong nhà lưới, trồng theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, phát triển các loại rau sạch, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu người sử dụng... Chú trọng xây dựng các mô hình điểm được áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa những cây rau có chất lượng hiệu quả vào sản xuất để nhân rộng. Từng bước hỗ trợ, hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã và kết nối với doanh nghiệp trong phát triển các loại rau màu lợi thế (rau ôn đới Tênh Phông, Toả Tình) theo hướng hàng hoá. Từ đó, góp phần mở hướng đi mới trong phát triển rau màu theo hướng hàng hóa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân các xã vùng cao, vùng xa.