Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với chế biến, tiêu thụ

12:04 - Thứ Bảy, 26/03/2022 Lượt xem: 5366 In bài viết

ĐBP - Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển hiện đại, bền vững, những năm qua tỉnh ta đã tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư vào các dự án liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến và bao tiêu sản phẩm.

Các thành viên HTX Dứa Na Sang xuất bán dứa cho Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tấn Phát (Nam Định).

Năm 2019, tỉnh ta ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm 11 nhóm sản phẩm thuộc các lĩnh vực: Trồng trọt; chăn nuôi; lâm nghiệp; thủy sản. Trong đó 5/11 nhóm sản phẩm thuộc sản phẩm chủ lực quốc gia được quy định tại Thông tư số 37/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh chủ yếu được tiêu thụ nội tỉnh, sản xuất chưa gắn với công nghệ chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do đó, giá trị và thương hiệu sản phẩm chưa cao. Chính vì vậy, những năm gần đây, tỉnh ta tập trung đổi mới cách thức sản xuất, phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng hiện đại, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Ngành Nông nghiệp cùng chính quyền cơ sở đã và đang tập trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt định hướng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng và quản lý thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, chuỗi liên kết sản xuất trồng trọt có hiệu quả cao; phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại tập trung quy mô lớn, hiện đại. Ngành Nông nghiệp căn cứ vào tiềm năng, lợi thế từng địa phương để tập trung sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo vùng, tạo vùng nguyên liệu lớn để thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất, áp dụng quản lý chất lượng tiên tiến kết hợp tổ chức sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, khuyến khích, tạo cơ chế hỗ trợ hình thành các mô hình liên kết, hợp tác về sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hướng chuyên môn hóa và ưu tiên hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị, công nghệ sau thu hoạch; đào tạo nhân lực và nâng cao trình độ quản lý.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực tập trung như: Lúa gạo Điện Biên; Chè Tủa Chùa, Cà phê Mường Ảng, cây ăn quả (Mường Ảng, Điện Biên, Tuần Giáo)… Hiện nay, toàn tỉnh có 817 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến; trong đó có 40 doanh nghiệp, 93 hợp tác xã, 25 tổ hợp tác và rất nhiều cơ sở chế biến theo quy mô hộ gia đình. Các sản phẩm chế biến trong tỉnh đã bước đầu xây dựng được thương hiệu. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 45 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (trong đó có 2 sản phẩm xếp loại 4 sao và 43 sản phẩm xếp loại 3 sao). Các sản phẩm chế biến của tỉnh được quan tâm và đánh giá cao tại các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Tốc độ tăng thu nhập từ chế biến nông, lâm thủy sản giai đoạn 2017 - 2020 bình quân đạt 5%/năm.

Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản để phát triển thị trường được quan tâm, trong đó chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực bằng nhiều hình thức khác nhau.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm - thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Thông qua việc tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn tại các hội chợ, diễn đàn, triển lãm nông nghiệp và trên phương tiện truyền thông, các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn đã giới thiệu sản phẩm tại địa bàn: Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Nam, Đà Nẵng... cũng như du khách các nơi đến với Điện Biên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở kinh doanh cũng tìm kiếm được cơ hội tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường và xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững.

Những ngày đầu tháng 3, những chiếc xe đầu kéo của các công ty, doanh nghiệp ở các tỉnh dưới xuôi xếp thành hàng dài dọc quốc lộ 12 đoạn qua xã Na Sang (huyện Mường Chà) để chờ thu mua dứa của HTX Dứa Na Sang.

Ông Lê Minh Tâm, Giám đốc HTX Dứa Na Sang cho biết: Được sự hỗ trợ đắc lực của các cơ quan chuyên môn, đến nay 230ha/230ha dứa của HTX đều được sản xuất theo hướng VietGAP. Nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đồng thời mở ra nhiều cơ hội để liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp chế biến sâu ở các tỉnh. Năm nay, HTX đã liên kết với 3 công ty chế biến ở các tỉnh: Nam Định, Hải Dương tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, các công ty đã tiêu thụ trên 2.100 tấn dứa. Năm nay, sản phẩm dứa Na Sang không phải lo lắng khâu tiêu thụ như những năm trước.

Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top