ĐBP - Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Điện Biên đang tích cực triển khai các nội dung trong chương trình, chính sách đến các đối tượng thụ hưởng.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngay từ đầu tháng 2/2022, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH) góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát nhu cầu vay vốn của các đề án, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng theo quy định, trong đó quan tâm đến đối tượng người lao động từ các khu công nghiệp, các tỉnh, thành phố vì tác động tiêu cực của dịch bệnh đã trở về địa phương có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, duy trì ổn định cuộc sống.
Đối với Chương trình cho vay cá nhân, hộ gia đình vay vốn để mua, thuê nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP, giao Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp Sở Xây dựng, UBND cấp huyện rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn, trình kế hoạch vốn theo quy định.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Nhà nước đến nhân dân trên địa bàn. Đồng thời chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tham mưu, rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn theo chỉ đạo của Ngân hàng CSXH Việt Nam để trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Là đơn vị thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, những năm qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã hỗ trợ nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững. Đến hết tháng 1/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt 3.487,44 tỷ đồng; đầu tư đến 129 xã, phường, thị trấn với 2.208 tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến thời điểm 31/1/2022, toàn tỉnh có 84.600 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; hàng nghìn hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển kinh tế; trên 500 sinh viên được hỗ trợ vay vốn đi học, đào tạo tại các trường chuyên nghiệp; gần 2.000 lao động được vay vốn để giải quyết việc làm, tạo thu nhập. Riêng đối với chính sách cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP có tổng dư nợ đạt gần 153,4 tỷ đồng. Đến nay Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Điện Biên đã giúp 3.139 mô hình, dự án với 3.139 lượt hộ dân được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm. Qua đó, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngân hàng CSXH được giao triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022 - 2023) nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình tín dụng ưu đãi tập trung nội dung: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập; cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động; tiếp tục triển khai cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ tín dụng, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết: Nhằm triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng để vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng CSXH tỉnh đã và đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức triển khai nhiệm vụ được giao. Ngân hàng chỉ đạo các phòng giao dịch trên địa bàn triển khai cho vay đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận chính sách, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước. Bên cạnh đó, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, hội viên, người lao động và nhân dân.
Đến nay, trên cơ sở rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn vay, Ngân hàng CSXH tỉnh đã đề nghị Ngân hàng CSXH Việt Nam bổ sung kế hoạch vốn tín dụng năm 2022 thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP với tổng nguồn vốn 230,5 tỷ đồng. Trong đó: Cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 187 tỷ đồng và 43,5 tỷ đồng cho cá nhân, hộ gia đình vay mua, thuê nhà ở xã hội. Sau khi kế hoạch vốn được phê duyệt, phân bổ, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ nhanh chóng giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng.