Phát triển hợp tác xã góp phần giải quyết việc làm

07:54 - Thứ Hai, 28/03/2022 Lượt xem: 4021 In bài viết

ĐBP - Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 268 hợp tác xã (HTX), với số thành viên trên 10.300 người; trong đó 186 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Các HTX đã linh hoạt phát triển theo hướng đa ngành nghề, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như: HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, HTX Nông nghiệp công nghệ cao bản Mé với chuỗi giá trị sản phẩm lúa, gạo Tâm Sáng, Hương Việt; HTX Ong mật Điện Biên với chuỗi sản phẩm mật ong Hoa Ban; HTX Nông nghiệp CCO với chuỗi các sản phẩm: Thịt hun khói, bí đao, khoai sọ, lạc; HTX Na Sang với chuỗi sản phẩm dứa... Những HTX này đã góp phần không nhỏ giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Lao động HTX Thủ công mỹ nghệ Anh Minh sản xuất, chế tạo sản phẩm.

Thành lập năm 2009, HTX Thủ công mỹ nghệ Anh Minh (phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ) liên tục đạt doanh thu ấn tượng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động. HTX hiện có hệ thống nhà xưởng hiện đại, có hơn 15 lao động thường xuyên, với các sản phẩm chủ lực như: tượng gỗ, bàn ghế, lục bình, tranh gỗ... được đánh giá cao trên thị trường. Năm 2016, được sự hỗ trợ từ nguồn Khuyến công quốc gia, HTX đã đầu tư máy khắc gỗ công nghệ cao (CNC). Với thiết bị hiện đại, vận hành tự động, năng suất và chất lượng sản xuất của HTX tăng đáng kể. Nhờ vậy HTX có khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn, bảo đảm yêu cầu cao của thị trường và khách hàng khó tính. Hiện tại, ngoài những lao động đang làm việc cố định tại xưởng với thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng, HTX cũng thường xuyên mời nghệ nhân ở các làng mộc nổi tiếng tại các địa phương khác về làm việc.

HTX Hồng Phước thành lập từ năm 2004, đến nay có trên 20 thành viên, hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực như: Trồng trọt; chế biến nông sản; trồng và chăm sóc rừng; cung ứng phân bón, giống vật nuôi cây trồng; xây dựng. Trong đó nổi bật là xây dựng và phát triển thành công chuỗi liên kết để sản xuất, tiêu thụ dong riềng trên địa bàn tỉnh. Ngoài thành công trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ dong riềng, HTX Hồng Phước chú trọng mở rộng, phát triển các ngành nghề khác, nâng cao thu nhập cho HTX và các xã viên, thành viên tham gia. Nhờ đó, doanh thu, lợi nhuận tăng theo từng năm. Nếu như năm 2015, doanh thu HTX đạt 9 tỷ đồng đến nay đạt trên 20 tỷ đồng/năm. Ngoài các thành viên, HTX còn tạo công ăn việc làm cho 50 lao động trên địa bàn có việc làm thường xuyên; thu nhập bình quân của người lao động 5 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Trong số HTX đang hoạt động, năm 2021 doanh thu bình quân của một HTX ước đạt gần 1,7 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân ước đạt trên 150 triệu đồng; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động thường xuyên ước đạt 43 triệu đồng/người/năm. Những năm gần đây, số lượng HTX thành lập mới phát triển khá nhanh (riêng năm 2021 có 34 HTX thành lập mới), hoạt động ngày càng đa dạng. Việc thành lập mới các HTX được chú trọng hơn tại các xã vùng sâu, vùng xa, xã xây dựng nông thôn mới. Các HTX tiếp tục được củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhiều HTX đã nỗ lực vươn lên, đổi mới về nội dung hoạt động và tổ chức; sản xuất kinh doanh theo hướng đa ngành nghề. Triển khai xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị; liên kết. Kinh tế HTX đã và đang khẳng định được vị trí, vai trò trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top