Bến xe tuyến huyện hoạt động kém hiệu quả

08:01 - Thứ Tư, 30/03/2022 Lượt xem: 9625 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, hệ thống bến xe tuyến huyện được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại; nhiều luồng tuyến được mở mới nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, phần lớn các bến xe tuyến huyện đều hoạt động kém hiệu quả và luôn trong tình trạng thua lỗ.

Bến xe khách TP. Điện Biên Phủ là bến xe tuyến huyện duy nhất hoạt động hiệu quả và có lợi nhuận. Trong ảnh: Xe chạy tuyến liên tỉnh xuất phát từ bến xe khách TP. Điện Biên Phủ.

Hiện nay, toàn tỉnh có 15 bến xe tại các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó: TP. Điện Biên Phủ 1 bến; huyện Điện Biên 2 bến; Điện Biên Đông 2 bến; TX. Mường Lay 1 bến; Tuần Giáo 1 bến; Nậm Pồ 2 bến; Mường Nhé 2 bến; Tủa Chùa 3 bến và Mường Chà 1 bến. Trong số 15 bến xe đang hoạt động chỉ có duy nhất bến xe khách TP. Điện Biên Phủ hoạt động có hiệu quả, các bến xe còn lại đều thua lỗ, doanh thu không đáp ứng đủ chi phí đầu tư và vận hành bộ máy. Theo thống kê của Ban Quản lý Bến xe khách tỉnh, năm 2021 tổng doanh thu của tất cả bến xe khách trên địa bàn tỉnh đạt 10 tỷ đồng, trong đó bến xe khách TP. Điện Biên Phủ đạt 8 tỷ đồng, 14 bến xe còn lại chỉ đạt doanh thu 2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Công Toàn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Bến xe khách tỉnh cho biết: Phần lớn các bến xe khách tuyến huyện phục vụ nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn tỉnh là chính còn xét về hiệu quả kinh tế thì gần như không có. Nhiều năm nay, các bến xe tuyến huyện đều hoạt động kém hiệu quả và luôn trong tình trạng thua lỗ, doanh thu chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với chi phí đầu tư và chi phí vận hành bộ máy. Hiện nay, doanh thu của các bến xe tuyến huyện đến từ các khoản thu phí theo quy định, các khoản thu từ bán vé và một số dịch vụ đi kèm. Tuy nhiên, có một thực trạng là hành khách không vào bến đón xe mà lại đứng đón dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Do đó, nguồn doanh thu cũng bị giảm. Những năm qua, các bến xe cũng đã đầu tư, nâng cấp khang trang với đầy đủ phòng bán vé, phòng chờ cho lái xe, phòng chờ hành khách... nhằm thu hút khách vào bến. Bên cạnh đó, Ban Quản lý bến xe thường xuyên phối hợp với các lực lượng: Thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, đội trật tự đô thị tuyên truyền, vận động khách vào bến. Song các giải pháp trên vẫn chưa thực sự hiệu quả, hành khách vẫn giữ thói quen đón xe dọc đường.

Bến xe Nà Bủng là bến xe mới được thành lập, khai thác duy nhất 1 tuyến: TP. Điện Biên Phủ - Nà Bủng và ngược lại. Bến xe này được mở ra phục vụ nhu cầu đi lại của người dân 2 xã: Nà Bủng và Vàng Đán (huyện Nậm Pồ) do khoảng cách từ 2 xã đến bến xe ở xã Nà Hỳ rất xa. Để mở bến xe tại xã Nà Bủng, Ban Quản lý bến xe khách tỉnh phối hợp với UBND huyện Nậm Pồ, UBND xã Nà Bủng để xã bố trí cho Ban Quản lý bến xe khách tỉnh mượn quỹ đất đặt bến xe. Để bến xe hoạt động, Ban Quản lý bến xe cũng phải đầu tư những trang thiết bị, cơ sở vật chất tối thiểu; Ban Quản lý bến xe khách tỉnh phối hợp với UBND xã Nà Bủng bố trí 1 cán bộ xã kiêm nhiệm vận hành bến. Đối với bến xe này xác định phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương chứ chưa tính đến hiệu quả kinh tế.

Trước đây bến xe khách huyện Tủa Chùa thuộc quản lý của UBND huyện. Thời điểm đó, bến xe hoạt động kém hiệu quả, luôn trong tình trạng vắng khách. Bên cạnh đó hạ tầng, cơ sở vật chất xuống cấp. Để “vực dậy” bến xe khách huyện Tủa Chùa, UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải quản lý, trực tiếp là Ban Quản lý bến xe khách tỉnh. Đầu năm 2016, Bến xe khách huyện Tủa Chùa được đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng khang trang. Đến nay, mỗi ngày bến có 9 tuyến xe chạy liên tỉnh và 16 tuyến nội tỉnh từ Tủa Chùa - TP. Điện Biên Phủ. Sau khi đầu tư, bến xe khách huyện Tủa Chùa được đánh giá hoạt động tốt nhất trong số bến xe khách tuyến huyện hiện có. Mặc dù vậy, hiệu quả kinh doanh của bến xe khách này cũng không đủ chi phí đầu tư và duy trì bộ máy.

Bến xe khách huyện Mường Chà cũng trong tình trạng tương tự. Bến xe được xây dựng từ năm 2001, rộng 2.000m2. Những năm gần đây, bến xe đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhiều hạng mục như: Nhà chờ cho khách, phòng nghỉ cho lái xe, khu vệ sinh, phòng bán vé... Tuy nhiên, hoạt động của bến xe vẫn không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Ông Lỗ Văn Dũng, Quản lý bến xe khách Mường Chà cho biết: Nguồn thu của bến xe đến từ các khoản phí của các tuyến xuất bến từ Mường Chà; các khoản phí của các nhà xe chạy tuyến từ TP. Điện Biên Phủ đi TX. Mường Lay, huyện Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ và ngược lại. Bên cạnh đó là các khoản thu từ bán vé và các dịch vụ đi kèm tại bến. Tuy nhiên, nhiều năm nay hành khách vẫn duy trì thói quen đứng đón xe dọc đường, ít vào bến nên đơn vị chủ quản gặp rất nhiều khó khăn trong việc khai thác các dịch vụ tại bến.

Việc xây dựng bến xe ở các huyện là cần thiết, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Song để các bến xe khách tuyến huyện hoạt động hiệu quả, cần nhiều giải pháp đồng bộ, từ việc nâng cao ý thức chấp hành trật tự giao thông của người dân (không đón xe dọc đường) đến các dịch vụ đi kèm để hút khách vào bến...

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top