Nguy cơ bùng phát bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa đông xuân

10:26 - Thứ Sáu, 01/04/2022 Lượt xem: 3911 In bài viết

ĐBP - Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến ngày 30/3 toàn tỉnh có gần 2.000ha lúa đông xuân bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, tai lá; trong đó có hàng trăm héc ta bị nhiễm bệnh nặng.

Cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên.

Khống chế bệnh đạo ôn lá

Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 9.768ha lúa; trong đó trà sớm gần 2.400ha, trà chính vụ hơn 6.660ha và trà muộn hơn 704ha; chủ yếu các giống: Đài thơm, vai gãy, séng cù, bắc thơm số 7… và các giống địa phương. Hiện nay, các trà lúa đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh và làm đòng, ôm đòng và trỗ bông. Thời gian qua, thời tiết sáng sớm có sương mù, ngày nắng ấm, chiều tối và đêm trời se lạnh nên rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại; trong đó lúa bị bệnh đạo ôn trên lá, tai lá là phổ biến, với diện tích nhiễm bệnh lớn.

Huyện Điện Biên có diện tích lúa nhiễm đạo ôn lá lớn nhất (tính đến ngày 30/3) với tổng diện tích bị nhiễm 1.683ha/4.200ha lúa đông xuân; trong đó diện tích nhiễm nặng gần 458ha.

Ông Phạm Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: Tỷ lệ hại, cấp bệnh và phạm vi gây hại của bệnh đạo ôn lá, tai lá tăng so với vụ đông xuân 2020 - 2021. Tình hình bệnh xảy ra cục bộ cháy theo chòm, ổ với tỷ lệ hại từ 80 - 90%. Ban đầu bệnh đạo ôn lá xuất hiện trên các giống lúa séng cù, hana 112, nếp tan, đài thơm, bắc thơm và sau đó lan rộng sang các loại giống khác. Trong đó, tập trung gây hại mạnh ở các xã vùng lòng chảo, như: Thanh Xương, Thanh Chăn, Thanh Yên, Pom Lót, Noong Luống…

Tại các huyện: Mường Ảng, Mường Nhé, Mường Chà, Tủa Chùa và TP. Điện Biên Phủ cũng có diện tích lúa bị nhiễm bệnh cao, cục bộ. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật: Vụ đông xuân năm nay là một trong những vụ sản xuất có diện tích lúa bị nhiễm đạo ôn lớn nhất trong nhiều năm qua. Tính đến 30/3, diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá gần 2.000ha, tăng 730ha so vụ đông xuân năm trước. Bệnh đạo ôn lá xuất hiện với tỷ lệ trung bình 3 - 7%, nơi cao 50%, cục bộ trên 90%, chủ yếu trên địa bàn huyện Điện Biên, Mường Ảng và TP. Điện Biên Phủ.

Để phòng, trừ bệnh đạo ôn hại lúa, Chi cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác điều tra, kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm, từ đó hướng dẫn người dân sử dụng đúng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu trừ bệnh. Đến nay, toàn tỉnh đã phun phòng trừ 1.134ha trong số gần 2.000ha lúa bị nhiễm bệnh (phun từ 1 - 3 lần). Tuy nhiên, hiện còn một số diện tích người dân chưa chú ý phun trừ, phun trừ chưa theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trên trà chính vụ nên bệnh vẫn tiếp tục gây hại tại các xã: Thanh Xương, Noong Luống, Noong Hẹt, Sam Mứn, Pom Lót (huyện Điện Biên).

Đạo ôn cổ bông rình rập

Theo nhận định của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đến nay cơ bản bệnh đạo ôn lá được phun phòng, nhưng chưa thể yên tâm, bởi thời gian tới bệnh đạo ôn lá, tai lá vẫn còn tiếp tục gây hại phổ biến trên trà sớm, chính vụ tại các vùng tiền dịch, gieo cấy giống nhiễm, bón thừa đạm. Vì vậy nguy cơ gây hại trên cổ bông giai đoạn trỗ rất lớn, nhất là đối với vụ đông xuân. Ðặc biệt vào thời điểm này, lúa đã bắt đầu phân hóa đòng trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, là môi trường thuận lợi để phát sinh bệnh đạo ôn cổ bông. Nếu đã mắc bệnh đạo ôn cổ bông lúa sẽ giảm năng suất, thậm chí là mất trắng. Điển hình như năm 2020, bệnh đạo ôn cổ bông xuất hiện cục bộ trên địa bàn huyện Điện Biên đã gây thiệt hại lớn cho người dân; có nơi thiệt hại trên 70%.

Hiện tại một số diện tích nhỏ của trà sớm lúa trỗ bông đã xuất hiện đạo ôn cổ bông. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã chủ động kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp quản lý dịch hại giai đoạn giữa vụ; tăng cường thực hiện điều tra bổ sung, nắm bắt tình hình và dự báo, cảnh báo bệnh đạo ôn cổ bông. Hướng dẫn nông dân cần thực hiện tốt chế độ chăm sóc, bón phân đón đòng đúng thời điểm, điều tiết nước hợp lý; tiếp tục xử lý kịp thời, triệt để đối với bệnh đạo ôn lá khi bệnh mới xuất hiện, đối với chòm ổ bị hại với tỷ lệ cao, cần tác động thêm các biện pháp cơ giới vật lý như ngắt bỏ bớt các lá bị bệnh, tiêu hủy trước khi phun để đạt hiệu quả cao.

Đối với trà sớm, trà chính vụ các diện tích gieo trồng giống lúa nhiễm như: Séng cù, hana, bắc thơm số 7... khi bắt đầu trỗ bông khoảng 5% người dân cần phun phòng đạo ôn cổ bông lần 1 và phun lần 2 khi lúa đã trỗ thoát hoàn toàn. Khi phun thuốc cần đảm bảo ruộng có nước, không phun lúc lúa đang phơi màu; sau phun 4 giờ nếu gặp mưa thì tiến hành phun lại. Với diện tích lúa trà muộn, cần bón phân cân đối, không bón thừa, không bón muộn phân đạm vào thời điểm đón đòng. Tiếp tục kiểm tra, theo dõi chặt chẽ phòng trừ các diện tích chớm xuất hiện đạo ôn lá để hạn chế lây lan gây hại cổ bông giai đoạn lúa trỗ - chín.

Để phòng trừ bệnh đạo ôn hiệu quả, ngoài biện pháp kỹ thuật, quy trình canh tác thì yếu tố then chốt vẫn là giống lúa. Qua theo dõi, kiểm tra của cơ quan chức năng, tại một số địa bàn người dân chưa tuân thủ cơ cấu giống theo quy định, dùng giống ngắn ngày vào cùng lịch thời vụ giống dài ngày trong khi yêu cầu về quy trình, kỹ thuật chăm sóc khác nhau.

Trước mắt để đảm bảo vụ lúa đông xuân năm nay trước nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông, người dân chủ động phương án phòng là chính, tích cực bám sát đồng ruộng kiểm tra, kịp thời phát hiện và phun phòng trừ. Về lâu dài, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần siết chặt cơ cấu giống lúa khi đưa vào gieo cấy.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top