Sinh kế trên dòng Đà Giang

11:20 - Thứ Bảy, 02/04/2022 Lượt xem: 6545 In bài viết

ĐBP - Từ một con sông hung dữ với “trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi gềnh” ngày nay sông Đà đã trở thành mặt hồ rộng lớn khi được điều tiết bởi những đập thủy điện. Trên mặt hồ đó, hàng trăm hộ dân -  những người đã “hi sinh” nhà cửa, bản làng cho công trình trọng điểm quốc gia tiếp tục cặm cụi mưu sinh.

Một góc bến Huổi Trẳng.

1. Chúng tôi thuê một chiếc thuyền sắt tại bến Huổi Trẳng (xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa) lướt quanh lòng hồ sông Đà vào một buổi sáng mùa xuân ấm áp. Trời nắng dịu, mặt hồ xanh biếc, trong veo soi bóng những dãy núi nối nhau trùng điệp. Xung quanh bến Huổi Trẳng là hàng trăm thuyền sắt, thuyền gỗ vỏ sắt lớn nhỏ đang neo đậu. Chủ nhân của những chiếc thuyền này là những hộ dân tái định cư của thôn Huổi Trẳng và các thôn lân cận. Đây cũng là phương tiện mưu sinh chính của người dân tái định cư xã Tủa Thàng.

Chủ thuyền chở chúng tôi là ông Lò Văn Yến, có dáng người mảnh khảnh, làn da sạm màu vì nắng gió. Bây giờ, người lái thuyền không còn phải “đánh vật” với mái chèo như đi đò trước đây nữa mà thay vào đó là những động cơ diezen mạnh mẽ. Vì thế việc lái cũng trở nên nhàn nhã hơn.

Ông Yến là người lái thuyền có tiếng, không chỉ vì kỹ năng lái thuyền mà còn bởi tính tình thân thiện, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ để phục vụ khách hàng. Ông nhận chở hàng, chở người, chở xe máy; các loại vật nuôi như trâu, bò, lợn, gà... từ bến này sang bến khác. Có những đêm tối, có người khách vì việc gia đình phải về Quỳnh Nhai gấp, thuê nhiều lái thuyền đều từ chối nhưng ông Yến lại vui vẻ nhận lời và luôn hoàn thành công việc một cách an toàn.

Ông Yến chia sẻ: “Trong một năm thì phải có đến 9 tháng tôi thường trực ở bến Huổi Trẳng chở khách, chở hàng. Từ ngày đóng đập dâng nước, lòng hồ yên ả, nhu cầu đi lại, mua bán của người dân tăng cao nên nghề chở khách, chở hàng cũng kiếm sống được. Từ Huổi Trẳng có thể đi Quỳnh Nhai (Sơn La), Sìn Hồ (Lai Châu), hay thị xã Mường Lay. Làm nghề này thu nhập cũng đều và ổn định. Ngày 2 - 3 chuyến chở khách hoặc chở hàng cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng. Nếu chuyến nào “trúng mánh” có hàng 2 chiều thì thu nhập khá hơn”.

Ở Huổi Trẳng có trên 100 chiếc thuyền lớn nhỏ, tuy nhiên mỗi chủ thuyền chọn một cách kiếm sống riêng. Một số người làm dịch vụ chở khách, chở hàng như ông Yến; nhiều hộ chỉ dùng làm phương tiện di chuyển để canh tác tại các mảnh nương cũ và cũng nhiều người đánh bắt thủy sản ở lòng hồ.

2. Ông Yến tắt máy, cho thuyền rẽ vào một hòn đảo nhỏ giữa lòng hồ. Đó là đảo ông Vận. Ông Vận là một trong những hộ đồng thuận “hy sinh” nhà cửa, ruộng vườn sớm nhất thôn để phục vụ công trình thủy điện trọng điểm quốc gia và cũng là người quay về khu vực thôn cũ để mưu sinh sớm nhất. Đến nay, ông Vận đã mưu sinh trên lòng hồ chục năm có lẻ. Khu vực ông chống sào thả neo là bãi nương cũ song khi nước dâng cao chỉ còn phần đỉnh đồi nhô khỏi mặt nước tạo thành hòn đảo nhỏ giữa mênh mông sông nước. Ông Lò Văn Vận cho biết: “Thời điểm mới xuống đảo, chỉ với một chiếc vó bè rộng 50 - 60m2 để đánh bắt tôm cá là cũng đủ chi phí sinh hoạt cho cả nhà. Ngày mới đóng đập, cá tôm rất nhiều, có nhiều con to, cá hàng chục kilôgam cũng có. Chiều tối thả vó, sáng hôm sau cất lên, tôm cá loại to thì bán lấy tiền; loại vừa để cho nhà ăn còn loại nhỏ hơn thì làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, thủy sản ít dần và cá tôm “khôn” hơn nên nghề đánh bắt vó bè không mang lại hiệu quả như trước, tôi lại phải nghĩ hướng khác để kiếm sống”.

Ông Lò Văn Yến, thôn Huổi Trẳng chuẩn bị chở khách đi Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La).

Thời điểm tôm cá hiếm, ông Vận nhận chở hàng cho lái buôn từ Tủa Thàng xuống huyện Quỳnh Nhai. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, những lần chở thuê như thế, ông Vận “học lỏm” được từ người dân Quỳnh Nhai nghề nuôi cá lồng. Từ đó ông bỏ hẳn vó bè, trở về bản tái định cư Tà Huổi Tráng thuê thợ hàn lồng nuôi cá. Vừa làm vừa học hỏi, đến nay ông Vận đã có 8 lồng cá, chủ yếu nuôi cá nheo, lăng và trắm đen. Ông Vận chỉ cho chúng tôi con cá trắm đen to nhất lồng, nặng tầm 30kg với lớp vảy đen tuyền và nói: “Ngày lồng hạ thủy, nó nhảy từ ngoài sông vào trong lồng cá. Tôi nuôi nó từ lúc còn nhỏ đến nay trọng lượng khoảng 30kg. Rất nhiều người mua nhưng tôi không bán. Từ ngày nuôi nó, việc nuôi, bán cá lồng của gia đình tôi khá thuận lợi. Tôi tin con cá trắm đen đã mang lại may mắn nên tôi sẽ không bán!”

Ngoài nuôi cá, ông Vận còn làm dịch vụ ăn uống cho khách du lịch khi đi qua đảo. Ông Vận kể: “Tôi nhận làm giúp 1 - 2 mâm cơm cho những vị khách đi sông. Nó cũng là cái duyên bất ngờ. Sông Đà dâng nước, tạo cảnh đẹp như tranh, thu hút nhiều lượt khách khám phá, tham quan. Một hôm đẹp trời, có 5 người khách ghé đảo mở lời muốn gia đình làm giúp mâm cơm cho bữa trưa. Với những sản phẩm “cây nhà lá vườn” được chế biến đậm chất dân tộc Thái khiến các vị khách thích thú. Từ đó, người này bảo người kia nên tôi cũng nhận làm cơm cho khách tham quan”.

Hiện nay, tuổi đã ngoài lục tuần, ông Vận để lại cơ ngơi cho vợ chồng con gái Lò Thị Dơn tiếp quản và phát huy. “Mùa nào thức đó”, mô hình chăn nuôi, dịch vụ của chị Dơn cũng giúp gia đình chị có cuộc sống ổn định.

3. Lúc quay về, chúng tôi nhận thấy bến Huổi Trẳng đang đón một “vị khách” khổng lồ. Đó là một chiếc tàu chở cát xây dựng từ tỉnh Lai Châu đến bán cát cho các doanh nghiệp xây dựng ở huyện Tủa Chùa. Ông Lò Văn Yến cho biết: “Buôn bán vật liệu xây dựng cũng là một nghề trên sông Đà. Những tàu lớn chở cát từ Lai Châu cập bến khoảng 2 lần/tuần. Chủ tàu chủ yếu là người dưới xuôi, từ các tỉnh như Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa. Những tàu này cũng tạo việc làm cho lao động ở trong thôn”.

Trên boong tàu, 4 thanh niên lực lưỡng đang tích cực phun nước vào khoang chứa cát để phục vụ 2 máy hút công suất lớn hút cát từ tàu lên thùng xe tải đỗ trên bờ.

Anh Nguyễn Văn Khiến, chủ tàu, quê ở tỉnh Nghệ An cho biết: “Con tàu chở được 60m3 cát. Trước đây, tôi chỉ hoạt động ở địa bàn tỉnh Lai Châu. Mấy năm gần đây nhờ có mối quen nên mới mở rộng thị trường tiêu thụ lên tỉnh Điện Biên. Trừ chi phí mỗi chuyến cũng lãi được 2 - 3 triệu đồng. Tôi thuê thường xuyên 2 lao động ở thôn Huổi Trẳng với mức lương 150.000 - 200.000 đồng/ngày công”.

Vừa phun nước, anh Lò Văn Tiến ở thôn Huổi Trẳng cho biết: “Mấy tháng nước dâng cũng là thời gian nông nhàn, tôi đi theo tàu chở cát làm thuê dọc tuyến sông Đà đi các tỉnh Sơn La, Lai Châu. Công việc không quá vất vả mà mức lương cũng tạm ổn. Mỗi tháng trừ chi phí, tôi mang về cho vợ con được 4 triệu đồng.”

Hồ thủy điện tích nước, sông Đà trở nên hiền hòa, tạo điều kiện cho những địa bàn dân cư dọc đôi bờ khai thác lợi thế thành sinh kế để phục vụ cuộc sống, phát triển kinh tế!

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top