Còn nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

08:05 - Thứ Hai, 04/04/2022 Lượt xem: 4190 In bài viết

ĐBP - Năm 2021, tỉnh ta đặt mục tiêu phấn đấu có 10 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Mục tiêu đặt ra là vậy, song quá trình thực tế triển khai thực hiện, các xã gặp rất nhiều khó khăn nên kết quả đạt được không như kỳ vọng. Vừa qua, Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh tổ chức xét, công nhận thêm 6 xã cơ bản đạt chuẩn NTM năm 2021. Như vậy, tỉnh ta mới chỉ hoàn thành 60% kế hoạch năm 2021 đề ra, trong đó đáng chú ý là mục tiêu có xã đạt chuẩn NTM không thực hiện được. Các xã đăng ký “về đích” NTM nhưng không hoàn thành kế hoạch gồm: Ẳng Cang (huyện Mường Ảng); Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) và Mường Nhà (huyện Điện Biên). Các xã đăng ký cơ bản đạt chuẩn nhưng không thực hiện được gồm: Sen Thượng (huyện Mường Nhé); Noong U (huyện Điện Biên Đông); Mùn Chung (huyện Tuần Giáo) và Hẹ Muông (huyện Điện Biên). Kết quả trên đã phản ánh đúng thực chất quá trình xây dựng NTM ở các xã và thêm phần khẳng định xây dựng NTM trong giai đoạn mới sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức.

Công nhân Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Hải Lộc thi công kè chống sạt lở suối Tà Là Cáo, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa (Ảnh chụp tháng 11/2021).

Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM có 19 tiêu chí, với mỗi tiêu chí quy định cụ thể chỉ tiêu chung cũng như chỉ tiêu theo từng vùng. Hầu hết các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới đều tăng so với giai đoạn trước. Đơn cử như tiêu chí thu nhập bình quân đầu người năm 2022, đối với khu vực tỉnh Điện Biên (thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc) là từ 39 triệu đồng/người trở lên và đến năm 2025 đạt trên 48 triệu đồng/người trở lên. Thế nhưng tính đến năm 2021, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn chỉ đạt khoảng 20,5 triệu đồng/người/năm; toàn tỉnh mới có 24/115 xã đạt tiêu chí về thu nhập (đạt 20,87%). Xét riêng năm 2022, mức thu nhập 39 triệu đồng/người/năm có thể nói là quá cao so với mức thu nhập của các xã thuộc tỉnh miền núi khó khăn như Điện Biên. Với mức thu nhập trên, một số xã đã đạt chuẩn còn phải chật vật để giữ chuẩn NTM, còn đối với các xã chưa đạt chuẩn rất khó thực hiện. Trong khi đó, các xã xây dựng NTM đều là những xã vùng cao, xa các trung tâm kinh tế lớn, trình độ sản xuất còn hạn chế, quy mô kinh tế còn nhỏ lẻ. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nhu cầu về nguồn lực xây dựng NTM rất lớn song nguồn lực huy động, nội lực còn rất hạn chế. Năng lực của cán bộ cơ sở và nhận thức của đồng bào các dân tộc chưa đồng đều nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai và chất lượng chương trình. Nhiều địa phương vẫn còn trông chờ vào Nhà nước, cá biệt một số hộ dân còn tư tưởng không muốn thoát nghèo để hưởng trợ cấp... Đây chính là rào cản lớn khiến cho Chương trình xây dựng NTM chưa đạt kết quả mong muốn.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, đến nay Tủa Chùa là 1 trong 2 huyện của tỉnh chưa có xã đạt chuẩn NTM. Năm 2019, huyện Tủa Chùa có xã Mường Báng được UBND tỉnh công nhận xã cơ bản đạt chuẩn. Tuy nhiên, đầu năm 2020  xã Mường Báng chia tách một số thôn về thị trấn Tủa Chùa khiến các tiêu chí NTM bị tụt giảm. Hiện nay, xã Mường Báng khó giữ danh hiệu xã cơ bản đạt chuẩn NTM. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Tủa Chùa phấn đấu xây dựng 2 xã: Mường Đun và Tủa Thàng đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, đến hết năm 2021 cả 2 xã trên mới chỉ đạt từ 11 - 12/19 tiêu chí. Với xuất phát điểm thấp, nguồn lực hạn hẹp, việc hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 là rất khó khăn.

Ông Giàng A Sang, Chủ tịch UBND xã Tủa Thàng cho biết: Đến hết năm 2021, xã Tủa Thàng mới chỉ đạt 11/19 tiêu chí NTM. Như vậy, trong 4 năm tới, xã Tủa Thàng phải hoàn thành thêm 8 tiêu chí NTM, bình quân hoàn thành 2 tiêu chí/năm. Trong giai đoạn này, mức độ hoàn thành các tiêu chí trong bộ tiêu chí NTM của Trung ương ngày càng cao, nhất là 2 tiêu chí “thu nhập” và “tỷ lệ hộ nghèo” trong khi xã Tủa Thàng có xuất phát điểm thấp, cơ bản các nguồn lực xây dựng NTM đều phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Dù khó song giai đoạn 2022 - 2025, xã Tủa Thàng quyết tâm, cố gắng huy động, lồng ghép mọi nguồn lực để xây dựng NTM, phấn đấu hoàn thành số lượng các tiêu chí ở mức cao nhất.

Xây dựng thôn, bản nông thôn mới (NTM) là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình xây dựng NTM được Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG của tỉnh xác định trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, đến nay do công tác chỉ đạo triển khai thực hiện tại một số địa phương chưa quyết liệt nên tỷ lệ thôn, bản đạt chuẩn NTM không cao, chưa đáp ứng mục tiêu, kế hoạch đề ra. Triển khai thực hiện từ năm 2019 nhưng đến nay có chỉ 3/10 huyện, thị xã, thành phố triển khai và xét công nhận thôn, bản NTM, gồm: Điện Biên, Nậm Pồ và Mường Chà với 83 thôn, bản đạt chuẩn NTM; trong đó có 36 thôn, bản NTM kiểu mẫu và 47 thôn, bản NTM.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết: Từ năm 2017, Văn phòng điều phối NTM đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG của tỉnh ban hành kế hoạch, lộ trình và chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố triển khai các nội dung về xây dựng thôn, bản NTM. Đồng thời, Văn phòng tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ xã, trưởng các thôn, bản tại các xã điểm do cấp huyện lựa chọn; phát tờ rơi, sổ tay hướng dẫn đến các thôn, bản được lựa chọn điểm xây dựng NTM. Tuy nhiên đến nay toàn tỉnh chỉ có 3/10 huyện, thị xã, thành phố thực hiện xây dựng thôn, bản NTM. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu công nhận thêm 700 thôn, bản NTM. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận của nhân dân.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top